Ngọn lửa trong đêm xóa sổ cả một gia đình

Lường Văn Phanh (trú tại bản Nhỏm, Điện Biên) từng lên kế hoạch tự tử trong ngày giỗ đầu của vợ và con trai để được “đoàn tụ” với gia đình ở thế giới bên kia.

Chỉ vì mông muội mà qua một đêm, Phanh mất cả vợ lẫn con, bản thân vướng vòng lao lý. Lý do dẫn đến thảm án ấy đơn giản chỉ vì hai vợ chồng Phanh cảm thấy tức bố vợ, chán đời nên muốn chết…

Bi kịch từ sự mông muội

Đêm 24-4-2009, cả bản Nhỏm bàng hoàng khi chứng kiến ngọn lửa ngùn ngụt cháy từ ngôi nhà của vợ chồng Lường Văn Phanh. Dân bản hò nhau đi cứu cháy. Khi đám cháy được dập tắt cũng là lúc người dân phát hiện ra thảm cảnh đau lòng, vợ và con trai Phanh đã tử vong.

Ngọn lửa trong đêm xóa sổ cả một gia đình - Ảnh 1.

Các phạm nhân trong giờ lao động sản xuất.

Bản thân Phanh đang thở thoi thóp, trên bụng và cổ có rất nhiều vết dao đâm. Được đưa đi cấp cứu kịp thời, Phanh đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng anh ta bỗng chốc trở thành kẻ trắng tay. Nhà cháy, vợ và con đều đã chết, còn mình thì vướng vòng lao lý.

Sau này khi bị đưa về cơ quan Công an, Phanh khai rằng, nguyên nhân dẫn đến kết cục bi thảm của gia đình xuất phát từ việc vợ chồng Phanh có mâu thuẫn với ông bố vợ. Đêm hôm xảy ra vụ án, hai vợ chồng Phanh cùng con trai lên giường đi ngủ nhưng nằm mãi hai vợ chồng vẫn không sao chợp mắt được.

Bỗng nhiên, vợ Phanh là Lò Thị Yêu ngồi bật dậy nói: “Tao ức lắm, không chịu được đâu. Tao muốn chết”. Phanh hồn nhiên hỏi lại vợ: “Nhưng chết bằng cách nào?”. Vợ Phanh bảo: “Mày ra bìa rừng hái lá ngón về đi rồi tao với mày cùng ăn để chết”.

Nghe vợ nói vậy, Phanh chả phản ứng gì mà ngồi luôn dậy rồi đi ra phía bìa rừng. Một lát sau, anh ta quay về và nói với vợ: “Trời tối lắm, tao không tìm được lá ngón đâu. Thôi để mai đi”. Nói xong với vợ, Phanh lên giường đi ngủ. Đang lơ mơ ngủ, Phanh bị vợ lay dậy. Vợ Phanh vẫn một mực nói mình muốn chết ngay chứ không đợi được ngày mai.

Trong cơn buồn ngủ, Phanh trả lời vợ đại khái: “Mày muốn chết thì tự lấy dao mà đâm”. Vợ Phanh hỏi lại chồng: “Thế mày có chết cùng tao không?”. Phanh đáp: “Có. Nhưng cả tao với mày đều chết thì lấy ai nuôi thằng Dong?”. Vợ Phanh bảo: “Nó sẽ chết cùng tao với mày. Bây giờ tao giết thằng Dong trước rồi mày giết tao. Sau đó thì mày tự cầm dao đâm mày được không?”.

Thấy vợ nói vậy Phanh cũng chỉ trả lời ậm ừ cho qua chuyện. Bởi sau cơn uất ức với bố vợ buổi tối, Phanh cũng đã thấy mình nguôi đi nhiều. Trả lời vợ xong, Phanh lại lăn ra ngủ. Nhưng khoảng 30 phút sau cuộc nói chuyện về “kế hoạch chết”, Phanh lại bị vợ đánh thức. Vợ Phanh bảo đã giết chết con trai của họ rồi cầm chiếc dao vừa gây án khẩn khoản yêu cầu chồng giết mình.

Phanh như bị ma xui quỷ khiến nên ngoan ngoãn làm theo lời vợ. Khi biết chắc chắn vợ mình đã chết, Phanh lấy luôn con dao đó cứa vào cổ mình nhưng do vết cắt không sâu nên Phanh không chết được luôn. Không dừng ở đó, anh ta tiếp tục lấy dao đâm nhiều nhát vào bụng mình nhưng vẫn không chết.

Vì đã hứa với vợ nên Phanh nhất quyết tự tử đến cùng, anh ta mò xuống bếp lấy bật lửa mang lên đốt nhà. Có lẽ số Phanh chưa tận nên dù đã cố gắng kết liễu đời mình bằng mọi cách nhưng anh ta vẫn không thể chết. Bởi sau khi được phát hiện, Phanh đã được người dân trong bản đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Điện Biên.

Luôn tìm cách tự tử để được “đoàn tụ” với vợ con

Có lẽ việc không thể chết lại chính là sự trả giá đau đớn nhất cho hành động điên rồ và nông nổi của Lường Văn Phanh. Đang có một gia đình yên ấm, qua một đêm, Phanh mất tất cả. Anh bảo đến bây giờ cũng không lý giải được vì sao đêm hôm đo, vợ chồng anh ta lại rồ dại đến thế.

Sau khi được cứu sống, Phanh bị tòa xử với mức án chung thân. Theo lời của một cán bộ quản giáo Trại giam Tân Lập thì thời gian đầu nhập trại, Phanh như một cái xác không hồn. Sau giờ lao động, Phanh lầm lũi như một cái bóng.

Anh ta không có nhu cầu nói chuyện với ai mà chỉ ngồi thu lu ở một góc buồng giam. Nhiều đêm cán bộ đi kiểm tra vẫn thấy Phanh ngồi chòng chọc trong bóng tối. Nếu đêm nào anh ta ngủ được thì thường ngủ mơ và hét thất thanh khiến cả buồng giam choàng tỉnh. Có lần Phanh tâm sự với một phạm nhân cùng buồng giam rằng, anh ta rất hay mơ thấy vợ và con.

Mỗi lần như vậy, vợ con Phanh thường thắc mắc sao mãi chưa thấy Phanh xuống với họ. Điều đó khiến Phanh vô cùng đau khổ. Chính vì vậy, Phanh luôn tìm cách để kết liễu đời mình. Có lần thấy Phanh có nhiều biểu hiện muốn tìm đến cái chết, các phạm nhân đã phản ánh với cán bộ quản giáo. Cán bộ gọi Phanh lên vừa động viên vừa dùng công tác nghiệp vụ để thăm dò diễn biến tâm lý anh ta.

Không ngờ Phanh khai rằng, anh ta đang lên kế hoạch cho cái chết của mình. Phanh dự định đúng vào ngày giỗ đầu của vợ và con anh ta sẽ tự tử để gia đình được đoàn tụ. Phanh tâm sự với cán bộ quản giáo rằng anh ta rất yêu vợ con nên khi hai người đó không còn nữa anh ta không còn cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa. Hơn nữa cứ nghĩ đến lời đã hứa là sẽ cùng chết với vợ và con, Phanh lại thấy áy náy. Phanh cảm giác mình như một kẻ hèn nhát đã lừa dối vợ khi không thể ra đi cùng với vợ và con.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Phanh kể rằng, để đến được với nhau, cả Phanh và vợ đã phải trải qua sự phản đối kịch liệt từ hai bên gia đình. Lý do cũng bởi nhà Phanh nghèo nên bố mẹ vợ của Phanh không muốn con gái mình cả đời phải khổ.

Về phía nhà Phanh, cũng bởi tự ái vì bị coi thường nên nhất quyết phản đối con trai kết hôn với chị Yêu. Trân trọng tình cảm của vợ vì đã không “tham sang phụ khó” nên Phanh luôn cảm thấy hàm ơn vợ. Chính vì vậy, anh ta luôn răm rắp nghe theo vợ. Tình yêu ấy mù quáng đến mức ngay cả khi vợ Phanh đòi chết và muốn Phanh chết cùng thì anh ta cũng không phản đối.

Ngọn lửa trong đêm xóa sổ cả một gia đình - Ảnh 2.

Lường Văn Phanh luôn ao ước sẽ được giảm án để về sống bên cạnh mộ vợ và con.

Có lẽ, với Phanh thì đó cũng là cách để thể hiện tình yêu với vợ. Hoặc cũng có thể họ có ý rằng sống ở thế giới nào không quan trọng, quan trọng là luôn được ở bên nhau. Chính vì lối tư duy u mê ấy khiến họ coi cái chết nhẹ như một giấc ngủ sâu.

Thời gian trôi qua, vết thương lòng cũng đã bớt đau lại được sự động viên của cán bộ quản giáo nên Phanh đã cởi mở hơn rất nhiều. Anh ta đã thôi không nghĩ nhiều về cái chết. Bởi trải qua đau đớn Phanh hiểu hơn ai hết, mọi thứ trên đời này đều có thể làm lại, trừ mạng sống. Phanh bảo anh ta sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được giảm án trở về nhà.

Nếu có cái may mắn ấy, Phanh sẽ về xây một ngôi nhà nhỏ bên mộ vợ và con. Dù chưa thể được đoàn tụ với vợ con ở thế giới bên kia nhưng Phanh sẽ vẫn có cảm giác được gần bên họ. Bấy nhiêu thôi cũng khiến người đàn ông này cảm thấy ấm áp những ngày tháng cuối đời.

Nhiều hội thảo khoa học về đề tài “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số” đã được tổ chức.

Trước thực trạng các vụ tự tử ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số có dấu hiệu ngày càng gia tăng, cơ quan chức năng các địa phương được đánh giá là “điểm nóng” của vấn nạn này đã tổ chức khảo sát, tìm hiểu và đưa ra kết luận:

Phần lớn số vụ tự tử xảy ra chủ yếu tại các vùng đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, nơi nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Có nhiều lý do khiến nạn nhân tìm đến cái chết như tình yêu không được đền đáp, vợ chồng xích mích, hàng xóm bất hòa, anh em trong gia đình mâu thuẫn…

Vì vậy, cần quan tâm tuyên truyền, vận động xây dựng các thiết chế gia đình bền vững, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trong gia đình, tổ chức hướng dẫn, phổ biến các kỹ năng ứng xử quan hệ hôn nhân, cách giải quyết phù hợp trong khi gia đình xung đột cho các hội, đoàn viên và nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật hướng dẫn về các chế tài xử lý những hành vi bạo lực gia đình; Chú trọng thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh”, trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn để công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa.

Theo Song Anh (CAND)

 

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…