Nghề ngân hàng “nóng” trở lại
Khoảng 3-4 năm trước, chỉ cần tìm từ khóa lương nhân sự ngành ngân hàng sẽ nhận được những kết quả không mấy khả quan. Tuy nhiên, tình hình này đã cải thiện nhiều trong những năm trở lại đây khi kết quả kinh doanh của đa số ngân hàng đang dần cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Theo đó, ngành ngân hàng đã quay trở về top đầu trong lựa chọn của các ứng viên khi tìm việc.
Theo kết quả cuộc khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” do Anphabe phối hợp cùng Intage thực hiện, ngân hàng cùng bất động sản là hai ngành dẫn đầu trong bảng xếp hạng “Top 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn”, với 6 thương hiệu mỗi ngành được nằm trong top 50 này. Kết quả đưa ra dựa trên sự đánh giá của 67.000 ứng viên đối với 670 thương hiệu nhà tuyển dụng đến từ 26 ngành nghề.
Theo đó, ứng viên quan tâm và bị thu hút bởi các yếu tố như danh tiếng của doanh nghiệp, các hoạt động đầu tư nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống của nhân viên, chất lượng của đội ngũ lãnh đạo và cách thức quản lý tổ chức, văn hóa và môi trường, cơ hội phát triển, thu nhập và phúc lợi doanh nghiệp mang lại cho nhân viên trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay, các ngân hàng đang trong cuộc chạy đua thu hút nhân tài, dự báo thị trường tài chính đang dần lấy lại đà tăng trưởng nhanh của mình. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 tăng 6,8% so với năm 2016; trong đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14%, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Có thể thấy, thị trường tài chính đang quay trở lại chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo đó nhu cầu về nhân sự cũng tăng nhanh chóng.
Có thể kể đến Ngân hàng Sài Gòn (SCB), nhà băng đang đứng thứ 4 trong 6 ngân hàng lọt vào top 50 doanh nghiệp có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất theo khảo sát nói trên của Anphabe. Chỉ riêng trong năm 2017, SCB đã tuyển dụng hơn 1.600 nhân sự mới, trong đó, 85% có trình độ đại học trở lên. Tuy vậy, bộ phận nhân sự của SCB vẫn tiếp tục làm việc ngày đêm để đưa ra những chương trình hấp dẫn nhằm thu hút thêm ứng viên mới hỗ trợ cho sự phát triển trong dài hạn của ngân hàng.
Ông Vũ Đức Hưng – PGĐ Khối Vận hành kiêm GĐ Trung tâm Quản trị nguồn nhân lực SCB, chia sẻ: “Tại SCB, hoạt động xây dựng và phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững luôn song hành với những chiến lược kinh doanh và phát triển của ngân hàng”.
Để thu hút và giữ chân nhân sự, SCB đã không ngừng phát triển các chính sách nhằm xây dựng môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp cho CBNV, từ các chính sách đào tạo, nâng cao kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng, cho đến việc nghiên cứu cập nhật hệ thống các tiêu chuẩn đánh giá lương thưởng và ghi nhận thâm niên, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho nhân sự của ngân hàng.
Được đào tạo phát triển nghề nghiệp là một trong những yếu tố mà các ứng viên luôn quan tâm khi cân nhắc nộp đơn ứng tuyển vào một ngân hàng. Do vậy, SCB cũng nghiên cứu đưa ra hàng loạt các khóa đào tạo chuyên đề dành cho nhân viên trong những năm qua, không chỉ để cập nhật những kiến thức mới cho CBNV mà còn tăng thêm điểm cộng cho ngân hàng trong việc thu hút ứng viên.
Năm 2017, hơn 710 chuyên đề đào tạo đã được SCB triển khai, với hơn 12.200 lượt tham gia của lãnh đạo và CBNV các đơn vị kinh doanh. Nhiều khóa đào tạo nhằm hỗ trợ và đồng hành giúp sinh viên mới ra trường tự tin với những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp cũng đã được tổ chức. Bên cạnh đó, SCB cũng đã xem xét bổ nhiệm 231 nhân sự trẻ lên các vị trí quản lí. Đây là một con số rất đáng khích lệ, tạo động lực phấn đấu cho CBNV đang làm việc tại ngân hàng.
Có thể thấy, thị trường nhân sự ngân hàng bắt đầu quay trở lại thời kỳ sôi động, để thu hút nhân tài, các ngân hàng sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải tạo môi trường làm việc cũng như tăng cường đáp ứng nhu cầu chính đáng của các ứng viên tương lai.
A.D
Theo Nhịp sống kinh tế