Ngành thuế lại đề xuất thêm quyền điều tra
Bộ Tài chính đề xuất cho cơ quan thuế thẩm quyền điều tra ban đầu để ngăn chặn các vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế.
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Bộ Tài chính gửi các cơ quan liên quan để lấy ý kiến, đơn vị soạn thảo đề xuất bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế tại Chương XIII phòng, chống vi phạm pháp luật, trốn thuế dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi. Trong đó, có 3 điều nêu rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, nghĩa vụ của cơ quan thuế, công chức thuế… trong việc ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế…
Theo Bộ Tài chính, việc điều tra quy định bổ sung trong Luật quản lý thuế bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác. Điều này cũng góp phần làm giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan điều tra, tránh kéo dài thời gian xác minh hành vi vi phạm, tránh để lọt tội phạm…
Bộ Tài chính cũng lý giải đề xuất này xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đặc thù của vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế và kinh nghiệm quốc tế. Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào thị trường kinh tế thế giới, theo đó xuất hiện các hình thức công ty liên danh, liên kết, các tập đoàn công ty đa quốc gia… Các hành vi gian lận, trốn thuế được thực hiện với quy mô ngày càng lớn, có tổ chức, không chỉ giới hạn phạm vi một quốc gia với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và có diễn biến phức tạp.
Cơ quan này kể một số hành vi gian lận thuế trong các lĩnh vực mới như: gian lận thông qua chuyển giá, báo lỗ giả nhằm trốn thuế, kinh doanh thương mại điện tử, hoàn thuế xuất nhập khẩu…
Theo Bộ Tài chính, ở Việt Nam, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán….
Trong khi đó, cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế, không trực tiếp quản lý thông tin về lĩnh vực này nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu không kịp thời, tác dụng răn đe ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế bị hạn chế.
Bên cạnh đó, theo cơ quan soạn thảo, đặc thù trong công tác điều tra các vụ án cần có thời gian và đảm bảo bí mật thông tin nên việc đối chiếu tiến độ vụ việc giữa hai ngành công an và thuế chưa được thực hiện thường xuyên, hoặc chi phí lớn.
Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2011-2015, cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an hơn 16.000 trường hợp, trong đó kiến nghị khởi tố 395 trường hợp có chứng cứ rõ ràng. Với hồ sơ thông tin về tội phạm 15.692 trường hợp còn lại cơ quan công an chỉ coi là tin báo trong công tác phối hợp, đồng thời đề nghị cơ quan thuế phân tích trong số này có bao nhiêu trường hợp có dấu hiệu phạm tội. Tuy nhiên, Bộ cho rằng việc này chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, thu thập chứng cứ.
Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính đưa ra đề xuất trao cho cơ quan thuế chức năng khởi tố điều tra, tương tự hải quan và công an. Từ năm 2006, cơ quan này cũng từng đề xuất cho ngành thuế có quyền thanh tra theo định kỳ với người có số thuế nộp lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi hoạt động rộng hoặc đột xuất đánh giá việc tuân thủ pháp luật. Sau đó, do chưa được chấp thuận, vài năm trở lại đây, đề xuất này lại được ngành tài chính đề cập.
Tuy nhiên, lần nào đưa ra, các đề xuất này cũng vấp phải không ít ý kiến phản đối từ các chuyên gia, bộ, ngành bởi một số quan điểm cho rằng điều này có thể khiến xảy ra tình trạng cán bộ thuế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, làm giảm tính khách quan trong quá trình làm việc.
Nguyễn Hà
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]