Ngân hàng sẽ bị chế tài, không được nới ‘room’ tín dụng nếu không giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước TP.HCM sẽ giám sát việc thực hiện giảm lãi suất cho vay theo sự đồng thuận của 16 ngân hàng với Hiệp hội Ngân hàng. Ngân hàng nào không thực hiện nghiêm sẽ bị xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đã khẳng định như trên tại hội nghị sơ kết chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021, với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất – kinh doanh” hôm nay 20-10.
Tuyên bố này được nêu ra sau khi có hàng loạt ý kiến của cử tri gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trước đó nêu kiến nghị về giảm lãi suất và đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ hơn nữa những khó khăn của nền kinh tế.
Cụ thể, cử tri cho rằng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đề nghị các ngân hàng không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà phải chia sẻ cùng doanh nghiệp và nhân dân thông qua việc giảm nợ, hoãn nợ… Ngoài ra, các cử tri đề nghị các ngân hàng chủ động giảm lãi suất đến mức có ý nghĩa, tái cơ cấu các khoản vay nhằm tạo thanh khoản cho doanh nghiệp, mở rộng diện tái cơ cấu nợ…
Tại hội nghị ngày hôm nay, ông Minh cho biết nơi này giám sát và khuyến khích các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo đồng thuận, bình quân là giảm 1% trên dư nợ hiện hữu và thực hiện từ tháng 7-2021. Ngân hàng nào thực hiện không nghiêm túc có thể bị chế tài như không được xem xét tăng trưởng tín dụng, mở rộng mạng lưới…
Ông Minh cũng cho biết thời gian qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã đẩy mạnh tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn theo chủ trương và định hướng của Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM. Kết quả, từ đầu năm đến nay đã có 470.195 tỉ đồng dư nợ của 406.410 khách hàng được cơ cấu nợ.
Trong đó, cơ cấu lại thời hạn là 127.193 tỉ đồng, miễn giảm lãi suất 7.251 tỉ đồng, cho vay mới 334.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên ông Minh cũng lưu ý trong quá trình này, ngành ngân hàng TP.HCM vừa phải triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, vừa phải luôn luôn đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng, thanh toán… trong hoạt động ngân hàng, hạn chế tối đa các vấn đề rủi ro có thể phát sinh trong quá trình áp dụng, thực hiện các quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
“Do đó, các tổ chức tín dụng cần phải xem xét, thẩm định đúng quy trình, quy định đối với các nhu cầu, đề xuất hỗ trợ của khách hàng, doanh nghiệp, đảm bảo chính sách được triển khai đến đúng đối tượng, đạt hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo Tuổi Trẻ