Nếu chính sách tiền tệ thắt chặt trở lại…
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings gần đây đã cảnh báo Việt Nam nên xem xét thắt chặt dần chính sách tiền tệ để ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và có cơ hội được nâng bậc đầu tư.
Đáng lưu ý là trước đây, các tổ chức quốc tế như HSBC, ANZ, IMF đã khuyến nghị Việt Nam nên thắt chặt dần chính sách tiền tệ.
Kể từ năm 2015 đến nay, chính sách tiền tệ tại Việt Nam có sự nới lỏng khá mạnh, với tăng trưởng tín dụng luôn xấp xỉ ở mức cao, từ 18 – 20% và mặt bằng lãi suất liên tiếp đi xuống. Rõ ràng trong bối cảnh chính sách tài khóa luôn đối mặt với thâm hụt ngày càng tăng và không còn nhiều dư địa, thì việc nới lỏng tiền tệ đã ít hỗ trợ tăng trưởng kinh tế để duy trì mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, bất kỳ điều gì cũng có 2 mặt, và chính sách nới lỏng tiền tệ cũng không nằm ngoài mẫu số chung đó khi chính sách này cũng góp phần đẩy giá một số tài sản, kênh đầu tư tăng khá mạnh trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể như thị trường chứng khoán từ 2016 bắt đầu chu kỳ tăng nhanh hơn, trong khi giá nhà đất cũng nóng sốt từ đầu năm 2017 và kéo dài cho đến nay, tiềm ẩn những rủi ro bong bóng.
Cung tiền nới lỏng sau một thời gian cũng có thể góp phần gây áp lực lên lạm phát. Mặc dù lạm phát năm 2016 và 2017 ổn định, nhưng chính sách bao giờ cũng có độ trễ nhất định, do đó nếu chính sách nới lỏng sau một thời gian dài thì sẽ đẩy lạm phát tăng do thừa tiền trong nền kinh tế, cộng thêm các yếu tố ngoại lai từ giá hàng hóa thế giới tăng trở lại dẫn đến chi phí đẩy. Cần lưu ý là lạm phát trong 5 tháng đầu năm nay tăng khá mạnh so với cùng kỳ và theo nhiều nhà phân tích cho rằng lạm phát năm nay có thể vượt mục tiêu 4%.
Trước tình hình này, các khuyến nghị cho rằng nhà điều hành nên thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại là cần thiết, nhất là khi các nền kinh tế khác từ phát triển cho đến mới nổi gần đây đều tăng nhanh lãi suất, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến có đến 4 lần tăng lãi suất trong năm nay sau khi đã 3 lần tăng trong năm 2017.
Tuy nhiên, thắt chặt chính sách như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Một đoàn tàu đang chạy băng băng trên đường ray nhưng đột ngột bị hãm lại sẽ gây ra những hệ lụy khó lường. Tương tự, nếu thắt chặt tiền tệ quá nhanh có thể gây áp lực lên nền kinh tế và thậm chí gây đổ vỡ các thị trường tài sản vốn đang trong giai đoạn nhạy cảm.
Theo đó, thị trường chứng khoán có thể đối mặt với tình trạng lao dốc không phanh, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng trong thời gian gần đây, trong khi thị trường nhà đất dễ rơi vào tình trạng đóng băng trở lại và gây áp lực phát sinh nợ xấu đối với các khoản cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng.
Dù FED đã công bố lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ đã giúp giới đầu tư có thể có những quyết định phù hợp, tuy nhiên mỗi khi FED tăng lãi suất là thị trường tài chính lại trải qua biến động mạnh. Thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh gần đây và dòng vốn rút ròng ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên chính là một trong những hệ quả từ chính sách của FED.
Do đó, trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, thị trường tài sản Việt Nam cũng khó tránh khỏi những cú sốc nhất định. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, khi mà doanh nghiệp sẽ hạn chế vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh do lo ngại rủi ro lãi suất. Sức cầu trong nền kinh tế cũng có thể tăng chậm hơn trong môi trường cung tiền thắt chặt và lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, nếu không thắt chặt tiền tệ, hoặc thắt chặt quá chậm thì rủi ro cũng không hề nhỏ. Fitch Ratings cho rằng nên thắt chặt chính sách tiền tệ dần dần để tránh gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá. Như đã nói, áp lực lạm phát dường như đang quay lại, trong khi tỷ giá đang có những dấu hiệu tăng nhanh gần đây. Trong môi trường mà cung nới lỏng và lãi suất quá thấp thì dĩ nhiên tiền đồng sẽ đối mặt với sức ép giảm giá là điều có thể thấy trước.
Doanh nhân Sài Gòn
[elementor-template id=”16904″]