Nâng chất lượng tài sản ngân hàng
Chất lượng tín dụng là nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng tài sản ngân hàng cũng như tạo nền tảng tốt giúp ngân hàng phát triển bền vững.
Một trong những điểm cộng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng cho các ngân hàng đó là chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện. Chất lượng tài sản cải thiện do đâu, có cải thiện đồng đều hay không? Phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi nhanh với TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Theo ông đâu là yếu tố giúp cho chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện trong thời gian qua?
Tôi cho rằng, lý do chính là trong thời gian qua, nợ xấu của các ngân hàng, kể cả lớn – nhỏ, được kiểm soát và xử lý tốt hơn. Theo đánh giá Moody’s, tỷ lệ các khoản cho vay có vấn đề tại 14 ngân hàng được tổ chức này xếp hạng đã giảm xuống 5,7% vào cuối năm 2017, so với mức 6,7% của năm 2016. Còn theo Fitch tỷ lệ nợ xấu gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC mà chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn được tính theo quy định tại Đề án 1058 tiến triển tích cực đến cuối năm nay có thể xuống 5,6 – 5,8% thay vì 8,6% đến cuối năm 2016.
Đây là tín hiệu rất tích cực trong hoạt động xử lý nợ xấu. Nhất là từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đã góp phần thúc đẩy hoạt động xử lý nợ xấu nhanh hơn thông qua việc thu hồi, xử lý tài sản đảm bảo. Mới đây, VAMC báo cáo sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, cơ quan này đã xử lý được khoảng 100 nghìn tỷ đồng tương đương 12-13%/tổng số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý, 4 ngân hàng đã tất toán hết trái phiếu đặc biệt của VAMC và dự kiến điều này sẽ tiếp diễn trong năm 2018.
Chất lượng tài sản được phản ánh qua tiêu chí tỷ lệ nợ xấu?
Khi đánh giá chất lượng tài sản của ngân hàng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm “soi” tài sản có của NHTM gồm có tín dụng và đầu tư. Đầu tư chủ yếu liên quan đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN, trong đó, có “khoản” đầu tư để thực hiện yêu cầu thanh khoản của NHNN. Cấu phần này không lớn lắm mà thanh khoản cao, đảm bảo chất lượng tài sản cho ngân hàng. Nên tín dụng vẫn chiếm cơ bản trong tài sản có của ngân hàng. Vì vậy, tài sản tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng tín dụng.
Như nói ở trên nhìn chung các ngân hàng có cải thiện, kể cả những ngân hàng trước đây nợ xấu cao nhưng đến thời điểm này cũng đã có thay đổi tích cực. Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đang có tín hiệu khả quan, lợi nhuận tốt hơn giúp ngân hàng có thêm năng lực xử lý nợ xấu. Tất nhiên không thể đều như bó đũa, ngân hàng nào cũng bằng nhau; có ngân hàng làm được nhiều có ngân hàng làm được ít.
Theo đó, sự phân hóa cũng là đương nhiên. Với những ngân hàng khỏe thì ngày càng khỏe hơn. Còn các ngân hàng kém chất lượng tài sản không tốt thì phải chữa bệnh. Mà chữa bệnh phải có quá trình chữa từ từ chứ không thể khỏe ngay được. Quan trọng qua quá trình chữa trị thấy sức khỏe có tiến triển rõ ràng.
Vậy chất lượng tín dụng là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng tài sản cũng như tạo nền tảng phát triển bền vững?
Tất nhiên đó là nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng tài sản ngân hàng cũng như tạo nền tảng tốt giúp ngân hàng phát triển bền vững. Vì tín dụng chiếm tới 80% thu nhập của các ngân hàng. Chất lượng tín dụng càng cao thì đương nhiên chất lượng tài sản càng tốt.
Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thận trọng tăng trưởng tín dụng (TTTD) trong bối cảnh lạm phát cao. Quan điểm của ông?
Tôi đồng tình với quan điểm không nên gây áp lực lên cung tín dụng mà quan trọng là đảm bảo đưa vốn vào lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Việc đẩy tín dụng tăng nhanh trong khi vốn chủ sở hữu các ngân hàng lại không tăng tương ứng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của ngân hàng, cụ thể là hệ số CAR bị giảm thấp.
Thời gian qua mối quan hệ tín dụng và tăng trưởng kinh tế không quá chặt chẽ đến mức để tăng trưởng kinh tế ở mức nào thì TTTD phải tương ứng ở mức đó. Thực tế, chứng minh là tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 tăng thấp hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Như bạn nói ở trên, giảm áp lực cung tín dụng cũng giảm sức ép cung tiền giúp NHNN kiểm soát lạm phát nhất là lạm phát cơ bản tốt.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng
[elementor-template id=”16904″]