Nạn xem lậu World Cup ở châu Phi
Các nhà đài đau đầu vì nhiều người châu Phi xem World Cup trên các kênh vi phạm bản quyền hoặc dùng bộ giải mã để xem lậu.
Cổ động viên Tunisia cổ vũ trong trận đối của đội này với Bỉ tại Moskva ngày 23/6. Ảnh: AFP. |
Tại quốc gia Trung Phi Gabon, Blaise cầm một cốc bia ngồi trước màn hình TV để xem World Cup. Nụ cười trên môi cho thấy anh rất mãn nguyện. Tuy nhiên, tâm trạng của kênh truyền hình Pháp Canal Plus không thể thoải mái như vậy. Họ sở hữu quyền phát sóng của trận đấu được chiếu bất hợp pháp trong quán bar ở thủ đô Libreville.
“Tôi có bộ thu sóng của Canal Plus, nhưng tôi dùng BeIn Sports để xem World Cup vì chi phí ít hơn!”, Blaise nói.
BeIN, mạng lưới kênh thể thao có trụ sở tại Qatar, không có quyền phát sóng các trận đấu World Cup ở Gabon nhưng một số công ty tư đã cho họ truyền dữ liệu để đổi lại một khoản lợi nhuận. AFP liên lạc với BeIN nhưng họ không đáp lại.
Blaise không cảm thấy e ngại về vấn đề pháp lý hay đạo đức đối với việc vi phạm bản quyền – hiện tượng phổ biến ở khắp châu Phi. “Đó là vấn đề của họ, không phải của tôi”, anh nói.
Canal Plus nói rằng nạn vi phạm bản quyền khiến họ mất 15 – 20% doanh thu. “Canal Plus gần như độc quyền phát sóng thể thao ở tất cả các nước châu Phi hạ Sahara nói tiếng Pháp, nhưng một số công ty đang vi phạm bản quyền”, Mamadou Mbengue, người đứng đầu kênh tại Gabon, nói.
“Chúng tôi lo lắng vì việc đó ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Điều tương tự như ở khu vực Maghreb (tây bắc Phi) có nguy cơ diễn ra lần nữa. Về lâu dài, có khi chúng tôi phải cuốn gói rời đi”, ông nói thêm.
Canal Plus đã phải thôi hoạt động tại khu vực Maghreb nhiều năm trước. BeIN giờ là đài đuy nhất được quyền chiếu World Cup ở các nước thuộc khu vực này như Tunisia, Algeria, Morocco và Ai Cập.
Tuy nhiên, người Algeria vẫn xem được Canal Plus bằng cách bất hợp pháp. Khán giả có thể dễ dàng mua các hộp giải mã tín hiệu để vượt qua hệ thống mã hóa của kênh này.
“Đấy là xem lậu”, một người bán rong tại một chợ lớn ở thủ đô Algiers nói. Ông cho biết các thiết bị này được bán ở khắp mọi với giá 115 – 175 USD. Những hành động như vậy phổ biến rộng rãi trên toàn khu vực, đặc biệt là ở thành phố Casablanca của Morocco, còn được gọi là “thánh địa của tài liệu lậu”.
5 nước châu Phi năm nay tham gia thi đấu tại World Cup. Các kênh truyền hình của 4 trong 5 nước đó, gồm Senegal, Nigeria, Morocco và Tunisia, đã mua quyền phát sóng các trận đấu của đội tuyển quốc gia.
Ở Senegal, Hội đồng Quốc gia về Quy chế Nghe nhìn đã dọa phạt bất kỳ trường hợp phát sóng bất hợp pháp nào. Trước đó, hai đài truyền hình của nước này đã tranh cãi về quyền phát sóng và cuối cùng, cả hai đều được chiếu trận đấu.
“Tiền mua bản quyền các sự kiện thể thao thường quá cao đối với các tổ chức của chúng tôi, vì vậy, nạn vi phạm bản quyền diễn ra”, Gregoire Ndjaka, giám đốc của Liên minh phát thanh châu Phi, cho biết.
Ndjaka nhận 10 -15 cuộc gọi mỗi ngày kể từ khi World Cup bắt đầu. “Chúng đến từ Ghana, Cameroon, Bờ Biển Ngà. Họ đều yêu cầu tôi làm điều gì đó để các công ty địa phương tôn trọng quy định và ngăn chặn nạn câu trộm dữ liệu”.
Beatrice Damiba, chủ tịch một tổ chức phi chính phủ chống vi phạm bản quyền ở châu Phi, cho biết họ đang cố giáo dục khán giả rằng xem lậu cũng giống như hành vi trộm cắp. “Không chỉ bóng đá mà còn cả âm nhạc, điện ảnh và điều đó có liên quan đến toàn châu Phi”, bà nói.
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]