“Năm 2018, tỷ giá USD/VND điều chỉnh 1-2% là hợp lý”

Diễn biến tỷ giá những ngày đầu năm 2018 đang tiếp tục cho thấy sự ổn định giống như năm 2017…

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, với các yếu tố bất định từ thị trường thế giới, đặc biệt từ Mỹ sẽ có những tác động bất lợi tới sự ổn định của tỷ giá USD/VND và nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ điều chỉnh tăng ở mức 1-2% trong năm 2018.

Dù có những thời điểm biến động nhẹ nhưng nhìn chung diễn biến tỷ giá năm 2017 được cho là ổn định. Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2017 và những dự báo cho năm nay, ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội và thách thức của tỷ giá trong năm 2018?

Theo tôi, khả năng Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong năm 2018 là rất cao. Bởi lẽ, các tín hiệu cho thấy, năm 2018 FED sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt nhiều hơn là nới lỏng. Khi lãi suất đồng USD được FED điều chỉnh tăng trong năm 2018 ngay lập tức sẽ có những tác động đến tỷ giá USD/VND.

Với các tín hiệu điều hành từ FED, tôi cho rằng, để tỷ giá được ổn định như năm 2017 sẽ khó khăn hơn. Chúng ta sẽ phải chấp nhận thực tế là Fed tăng lãi suất xảy ra… Do đó, tỷ giá USD/VND trong năm nay nên được điều chỉnh tăng thêm trong biên độ 1-2% là hợp lý. Có một số điểm hỗ trợ cho việc điều chỉnh tăng này:

Thứ nhất, chúng ta không thể nào giữ mãi tỷ giá USD/VND ở mức thấp được, vì điều này không phù hợp với tình hình kinh tế thế giới khi lãi suất đồng USD tăng lên.

Thứ hai, nếu tỷ giá USD/VND không được điều chỉnh tăng sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Bởi khi tỷ giá thấp hoặc ổn định sẽ khuyến khích nhập khẩu, như vậy, các sản phẩm trong nước sẽ gặp cạnh tranh rất lớn, nhất là khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực ngay trong năm 2018. Do đó, tác động của tăng tỷ giá sẽ giúp ngăn chặn được hàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam và có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù trên quan điểm của chính sách tiền tệ thì đồng VND giữ được sự ổn định là tốt sẽ giúp tạo niềm tin của người dân và tổ chức kinh tế, tuy nhiên, xét về ngoại thương thì không có lợi, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu.

Vì vậy, xét trên nhiều khía cạnh tôi cho rằng, tăng tỷ giá sẽ có lợi cho Việt Nam hơn là giữ tỷ giá ổn định trong năm 2018.

Trong bối cảnh như vậy, theo ông đâu là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho điều hành tỷ giá năm 2018?

Theo tôi, yếu tố hỗ trợ rất lớn cho tỷ giá năm 2018, đó là việc Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục trong năm 2017 và đầu năm 2018 (tính đến giữa tháng 1/2018 dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 54,5 tỷ USD).

Với lượng dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục như vậy sẽ là cách tốt nhất để bảo đảm việc Ngân hàng Nhà nước có khả năng can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá trung tâm cũng tiếp tục là điểm nhấn hỗ trợ điều hành tỷ giá năm 2018.

Theo đó, cơ chế tỷ giá trung tâm sẽ tiếp tục làm giảm nhẹ áp lực của đồng USD đối với diễn biến của đồng VND. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng rất linh hoạt trong vấn đề mua bán ngoại tệ và điều hành chính sách trên thị trường ngoại hối…

Thương mại, đầu tư, kiều hối… đã có những đóng góp quan trọng vào bức tranh chung của tỷ giá năm 2017. Vậy sang năm 2018, ông kỳ vọng như thế nào về những đóng góp của các lĩnh vực này đối với sự ổn định của tỷ giá USD/VND và thị trường ngoại hối?

Thực tế cho thấy, năm 2017 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá mạnh đã có nhiều hỗ trợ cho điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Tôi kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục quan tâm và đổ tiền vào Việt Nam trong năm 2018, nhất là qua các đợt IPO sắp tới đây của các công ty liên quan đến ngành năng lượng. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và các nước châu Á khác, đang rất quan tâm đến mua cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng tại Việt Nam.

Tôi tin rằng, FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ tiền vào Việt Nam sẽ đem lại nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2018.

Đối với nguồn ngoại tệ từ kiều hối, tôi không kỳ vọng nhiều. Bởi lẽ, lượng kiều hối sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ… và Việt Nam, điều này càng đặc biệt hơn trong bối cảnh có đến một nửa lượng kiều hối vào Việt Nam là từ Mỹ.

Bước sang năm 2018, khi chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump về mậu dịch đối với Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều bất định, nếu chính sách đó hướng tới việc thắt chặt thì sẽ có nhiều ảnh hưởng đến thương mại và dòng kiều hối. Bên cạnh đó, những vấn đề chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng là ẩn số đối với đầu tư và kiều hối vào Việt Nam.

Theo tôi, sự ổn định của tỷ giá trong năm 2018 sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của hoạt động xuất nhập khẩu và sự linh hoạt trong điều hành chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Ngô Minh

Vneconomy

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…