Mỹ siết chặt xuất khẩu, ngăn công nghệ rơi vào tay quân đội Trung Quốc
Quy định mới của Mỹ xem các công ty, cho dù là dân sự nhưng miễn là có làm ăn với quân đội Trung Quốc, đều trở thành công ty của quân đội Trung Quốc và nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu.
Điều này nhằm ngăn việc công nghệ Mỹ được bán cho các công ty dân sự Trung Quốc nhưng người dùng và hưởng lợi cuối lại là quân đội Trung Quốc.
Washington cũng muốn nắm rõ hơn những gì đã bán cho Trung Quốc và ai đang thực sự sử dụng chúng sau nhiều năm buông lỏng quản lý.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross lập luận quy định mới là câu trả lời của nước Mỹ trước các quốc gia có “truyền thống chuyển hướng hàng mua từ công ty Mỹ cho lĩnh vực quân sự” như Trung Quốc.
Ông Kevin Wolf, một luật sư thương mại Mỹ, đã giải thích về quy định siết chặt xuất khẩu mới và cho biết những định nghĩa như người mua, sử dụng cho mục đích quân sự đã được mở rộng chưa từng có trong quy định lần này.
Lấy ví dụ như một công ty xe hơi Trung Quốc chỉ cần nhận hợp đồng sửa chữa xe quân sự cho quân đội Trung Quốc là đã có thể bị xếp vào danh sách “người dùng cuối thuộc quân đội” cho dù đang tìm kiếm mặt hàng nhập khẩu thuộc lĩnh vực khác từ Mỹ.
“Người dùng cuối thuộc quân đội không nhất thiết phải là các đơn vị quân đội nữa. Một công ty dân sự có các hoạt động hỗ trợ quân đội cũng bị tính là người dùng cuối thuộc quân đội”, ông Wolf giải thích.
Theo Hãng tin Reuters, trong tương lai Mỹ có thể siết chặt tới mức buộc cả công ty thuộc nước thứ ba phải xin giấy phép nếu muốn chuyển thiết bị, công nghệ từ Mỹ tới Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse đã lên tiếng ủng hộ quy định mới và lập luận rằng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo, ranh giới giữa các doanh nghiệp dân sự và quân đội Trung Quốc đã trở nên mờ nhạt chưa từng có.
Trong khi các biện pháp hạn chế nhắm chủ yếu vào chiến lược quân-dân sự kết hợp của Trung Quốc, Reuters cho biết Nga và Venezuela cũng bị tác động bởi quy định mới của Mỹ.
Theo BizC.vn