Mỹ chế tạo máy tính siêu nhỏ, kích thước chỉ bằng một góc hạt gạo nhưng vẫn nghe nhạc, xem phim, chơi game thoải mái
Một trường đại học tại Mỹ mới đây đã chế tạo ra được một máy tính siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng một góc của hạt gạo.
Vào tháng 03 vừa qua, IBM đã công bố chế tạo được một máy tính siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng một hạt muối và đạt danh hiệu máy tính nhỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của đại học Michigan đã phá kỉ lục này của IBM khi công bố một máy tính cá nhân với kích thước chỉ bằng một góc của hạt gạo.
Theo đó thì máy tính của đại học Michigan có kích thước chỉ 0,33mm mỗi cạnh. Trước đây, đại học này cũng đã từng cho ra mắt một chiếc máy tính với kích thước 2mm x 2mm x 4mm và nó đã giữ kỉ lục máy tính nhỏ nhất trước khi bị IBM phá vỡ vào tháng 03 vừa qua. Kể từ đó đến nay, dù mới chỉ qua 3 tháng nhưng đại học Michigan đã ngay lập tức “đòi” lại kỉ lục từ phía IBM bằng chiếc máy tính chỉ nhỏ bằng một góc hạt gạo như trên.
Chiếc máy tính này vô cùng nhỏ và có thể nằm gọn trên đầu ngón tay nhưng có đầy đủ chức năng của một máy tính bình thường. Nghĩa là bạn có thể chơi game, nghe nhạc, xem phim, soạn văn bản… bằng máy tính siêu nhỏ này.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ quang điện lớp chặn, một phương pháp giúp chuyển đổi ánh sáng thành điện năng. Nó cũng chứa một bộ vi xử lý, bộ nhớ trong và kết nối không dây để truyền tải dữ liệu thông qua ánh sáng. Bao quanh chiếc máy tính này sẽ là một bệ đỡ đặc biệt, cung cấp ánh sáng (cũng chính là nguồn năng lượng) và làm trung gian truyền dữ liệu cho máy tính.
Hiện tại, máy tính siêu nhỏ này mới chỉ được ứng dụng để làm cảm biến nhiệt độ. Nó sẽ dùng các xung nhịp điện tử, cảm ứng nhiệt và biến chúng thành các nhịp đếm. Nhờ đó mà nó có thể báo nhiệt độ trong phòng với sai số chỉ khoảng 0,1 độ C mà thôi.
Theo Trí Thức Trẻ