Một năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu
Phải khẳng định rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã tạo sự đột phá trong triển khai xử lý nợ xấu (XLNX). Tuy nhiên, hầu hết các chính sách, khi đi vào thực tiễn vẫn có thể phát sinh những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ và XLNX cũng không phải ngoại lệ.
Bài 1: Bước đột phá về lập pháp đối với xử lý nợ xấu
Nợ xấu từng được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhận định là nghiêm trọng như lô cốt, thậm chí “cục máu đông”, làm tắc nghẽn sự lưu thông của nền kinh tế từ cuối năm 2011, và từ đó đến nay đã có hàng loạt giải pháp được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra để xử lý, đánh tan cục máu đông.
Ảnh minh họa
Vấn đề có sử dụng ngân sách Nhà nước để XLNX hay không cũng đã được bàn thảo nhiều… Và cuối cùng phương án không sử dụng ngân sách Nhà nước để XLNX đã được chọn và xem đây như phương án đặc thù ở Việt Nam. Cùng với đó, lần lượt các giải pháp cơ bản để XLNX được đưa ra như Đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 đến 2015”, do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012.
Chính phủ cũng đã có một loạt các chính sách tháo gỡ về mặt vĩ mô như Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường nhằm kích thích sản xuất, tiêu dùng.
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập và hoạt động ngày 18/5/2013 theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể của VAMC là thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm…
Tuy nhiên, với mỗi giải pháp trên đưa ra đều có tác động tích cực nhất định đến XLNX nhưng vẫn chưa tạo được bước đột phá, nhất là các vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý, trách nhiệm của con nợ, ý thức trả nợ của khách hàng và sự tham gia của các cơ quan liên quan còn hạn chế trong hành trình đánh tan cục máu đông một cách triệt để.
Chính vì vậy, chỉ khi Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2017 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 mới giải quyết căn bản những vướng mắc mà bấy lâu nay khi XLNX gặp phải. Nghị quyết 42 đã trao rất nhiều quyền năng cho cả phía ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng như công an, tòa án, chính quyền địa phương…
Đặc biệt, với Nghị quyết 42, trong trường hợp bên bảo đảm (thường là khách hàng vay vốn) không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD, tổ chức mua bán, XLNX, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm. Và trong trường hợp có sự chống đối của khách hàng thì Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết.
Cùng với đó, vai trò của Tòa án cũng rất quan trọng vì cơ quan này được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng khẳng định rằng, Nghị quyết 42 được ban hành cho thấy, tư duy của nhà lập pháp đã thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế, chứ không phải của riêng ngân hàng. Từ nhận thức nợ xấu là của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương các cấp đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ cùng ngành Ngân hàng xử lý nợ xấu.
Theo ông Đoàn Văn Thắng – Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, từ khi Nghị quyết 42 được ban hành và có hiệu lực đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các TCTD chủ động trong XLNX, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả.
Đón đọc Bài 2: “Tác động kép” từ Nghị quyết 42
Thời báo ngân hàng
[elementor-template id=”16904″]