Mâu thuẫn tại Đại hội ACB khi ứng viên liên quan tới Bầu Kiên không có trong danh sách ứng cử HĐQT
Mặc dù đề xuất 11 thành viên HĐQT nhưng đến phút cuối NHNN chỉ chấp thuận 8 người. Ứng viên Nguyễn Duy Hưng do nhóm cổ đông nắm giữ 10,45% cổ phần đề cử không được chấp thuận.
Sáng nay (19/4), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018. Tuy nhiên ngay từ đầu đại hội, sóng gió đã xảy ra khi cổ đông đại diện cho 68 triệu cổ phiếu (tương đương 8%) phản đối các nội dung bầu HĐQT, có 4 triệu cổ phiếu (0,53%) không có ý kiến và 90,99% cổ phiếu đồng ý.
Đại diện HĐQT ACB đọc văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho ACB bầu thành viên HĐQT gồm 8 ứng viên:
Ông Trần Hùng Huy
Ông Nguyễn Thành Long
Ông Dominic Scriven
Bà Đinh Thị Hoa
Bà Đặng Thu Thuỷ
Ông Đàm Văn Tuấn
Ông Hiệp Văn Võ (thành viên HĐQT độc lập)
Ông Huang Yuan Chiang (thành viên HĐQT độc lập)
Như vậy so với danh sách công bố trước đây gồm 11 người, NHNN không chấp thuận 3 ứng viên là ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Tổng giám đốc ACB; ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB và ông Nguyễn Duy Hưng – ứng viên do nhóm cổ đông mới đề cử.
Ông Nguyễn Duy Hưng hiện đang là Chủ tịch thành viên của Công ty luật TNHH Diên Hồng và Công ty TNHH quản lý tài sản Việt. Trước đó, ông Hưng là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank). Vì vậy, ông Hưng được cho là có liên quan đến gia đình bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) và bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên). NHNN cho biết sẽ xem xét trường hợp của ông Nguyễn Văn Hoà và ông Đỗ Minh Toàn và có ý kiến sau với trường hợp của ông Nguyễn Duy Hưng.
Nhóm cổ đông nắm giữ 10,45% cổ phần ứng cử ông Nguyễn Duy Hưng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc ông Hưng không có tên trong danh sách ứng viên bầu HĐQT và yêu cầu bầu tất cả 11 ứng viên. Nhóm cổ đông này nghi ngờ ACB đã không gửi đủ danh sách 11 người cho NHNN và không có tên của ông Nguyễn Duy Hưng.
ACB cho biết đã gửi cho NHNN danh sach đầy đủ 11 người thành viên HĐQT và 5 người thành viên ban kiểm soát. NHNN đã gửi cho Thống đốc và thanh tra giám sát NHNN kèm theo hồ sơ đầy đủ của các thành viên.
Đến 9h43, đại hội vẫn chưa thể tiến hành do vẫn tranh cãi trong việc bầu thành viên HĐQT.
Nhóm cổ đông liên quan đến gia đình bầu Kiên phản đối mạnh mẽ và liên tục đòi phát biểu, cho rằng quyền cổ đông bị vi phạm nghiêm trọng. Bà Nguyễn Ngọc Lan cũng lên tiếng trước đại hội đòi phát biểu ý kiến tuy nhiên các cổ đông khác phải đối cho rằng đại hội cần được tiến hành nên nhóm cổ đông này đã tạm ngưng có ý kiến.
Kết quả kiểm phiếu các nội dung biểu quyết thông qua các vấn đề chương trình đại hội đạt tỷ lệ như sau: Tổng số không tham gia 3,21%, 83,61% tán thành, số phiếu không tán thành là 107,55 triệu cổ phiếu, chiếm 13,14%.
Số lượng thành viên HĐQT: Tổng số cổ phần không tham gia biểu quyết 3,21%, số phiếu tán thành 82,95%, số phiếu không thán thành 112,085 triệu cổ phần, 13,85%.
Quy chế bầu thành viên HĐQT và BKS: Tổng số cổ phần không tham gia biểu quyết 3,21%, số phiếu không hợp lệ 0,01%, 83,52% phiếu tán hành, 13,14% phản đối.
Như vậy mặc dù có nhóm cổ đông phản đối nhưng các nội dung tại đại hội vẫn được thông qua.
Phát biểu về hoạt động kinh doanh của ACB thời gian qua, ông Đỗ Minh Toàn tổng giám đốc ACB cho rằng ngân hàng này đã đạt được kết quả tích cực, khá toàn tiện về các mặt tài chính tín dụng điều hành, đảm bảo giám sát mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh doanh và phát triển bền vững.
Tổng tài sản của ACB tại thời điểm kết thúc năm 2017 đạt 284.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2016, tỷ trọng tài sản có sinh lời trên tổng tài sản tăng từ mức 92% cuối năm 2016 lên 95% năm 2017, mức độ rủi ro thấp. Cơ cấu tài sản có sinh lời chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng tài sản có bằng tiền đồng được nâng lên mức 96%, do đó làm giảm áp lực rủi ro tỷ giá.
Quy mô vốn huy động đạt 241.000 tỷ đồng, tăng 17% trong đó nguồn vốn không kỳ hạn tăng mạnh 20% góp phần cải thiện chi phí vốn ở mức hợp lý.
Dư nợ tín dụng đạt 199.000 tỷ đồng, tăng 20%, tín dụng bán lẻ tăng trưởng bán sát định hướng chiến lược của ACB với mức tăng mạnh 25%.
Chất lượng tín dụng cải thiện. Quy mô nợ xấu giảm mạnh, tỷ lệ nợ xấu giảm về 0,7%, tỷ lệ nợ quá hạn (nhóm 2 đến nhóm 5) giảm từ 2,1% xuống còn 0,9%. ACB đã xử lý rủi ro trích lập dự phòng 100% cho các tài sản tồn đọng. Quỹ dự phòng đạt 133% tổng quy mô nợ xấu.
ACB tiếp tục duy trì chính sách thanh khoản cẩn trọng, tỷ lệ dự trữ thanh khoản duy trì trên 20% cao hơn 10% quy định của NHNN.
LNTT năm 2017 đạt 2.656 tỷ đồng, tăng 59% năm trước và 2018 đạt kế hoạch 5.699 tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất đạt 11,49%, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 24,9%, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 23,97%, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi ở mức 75,83%.
Theo Hoàng Ly
Người đồng hành