Mất tiền tỷ vì sập bẫy “cò” ngân hàng
Không chỉ dùng lời ngon ngọt để chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng của người dân bằng hình thức vay đáo hạn ngân hàng, mà “cò” Vân còn dụ dỗ, lừa gạt người dân cầm cố sổ đỏ giả, vô giá trị để vay số tiền hàng chục tỷ đồng…
Tin tưởng vào những lời ngon ngọt của Trần Thị Vân (29 tuổi, trú tại thôn 2, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar), hàng trăm hộ dân tại xã Cư Suê và Ea Mnang, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã giao sổ đỏ và tiền trị giá lên đến hàng tỷ đồng cho Vân. Trong khi đó, sau khi nhận tiền, thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng, Vân lặng lẽ rời khỏi địa phương. Nhiều người dân thật sự hoang mang không phải chỉ do nợ nần chồng chất mà đối diện với nguy cơ mất nhà, mất đất…
Trắng tay vì tin “cò”
Đầu tháng 4-2018, hàng trăm hộ dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin “cò” đáo hạn ngân hàng ôm hàng chục tỷ đồng của người dân rời bỏ khỏi địa phương. Ngồi trong căn nhà mới xây của gia đình, ông Trần Đây (45 tuổi, trú tại thôn 4, xã Cư Suê) vẫn đang hết sức lo lắng bởi căn nhà này có thể bị ngân hàng “siết nợ” bất cứ lúc nào.
Ông Đây kể, vào khoảng cuối tháng 11-2017, trong một lần đến nhà người cháu họ trong xóm chơi thì gặp và quen biết với “cò” Vân. Tại đây, nghe “cò” Vân nói có thể giúp mọi người vay tiền ngân hàng dễ dàng mà không phải lo lắng về thủ tục.
Hàng loạt sổ đỏ giả được các đối tượng đem cầm cố cho người dân.
Do đang cần số tiền khoảng 200 triệu đồng để mua thêm đất cho con, ông Đây đã nhờ “cò” Vân đứng ra làm giúp giấy tờ sổ đỏ để vay. “Sau khi cầm sổ đỏ của gia đình tôi trên tay, Vân nói mảnh đất và căn nhà chỉ vay được tối đa 200 triệu. Tuy nhiên, Vân có thể nhờ cán bộ ngân hàng định giá cao hơn vay lên đến 500 triệu. Tin lời Vân, tôi đã giao cho Vân làm mọi thủ tục. Sau khi đến ngân hàng ký giấy tờ, tôi được cán bộ ngân hàng giải ngân cho vay 500 triệu đồng”, ông Đây cho biết.
Cũng theo ông Đây, sau khi cầm số tiền 500 triệu đồng ra khỏi ngân hàng, Vân đã gọi cho ông đến một quán cà phê. “Tại đây, Vân có nói số tiền này tôi chưa cần dùng vào việc gì thì cho Vân vay lại khoảng 10 ngày để đáo hạn ngân hàng và sẽ trả lãi cho tôi đầy đủ. Tin tưởng, tôi đã cho Vân vay lại số tiền này. Tuy nhiên, hơn 10 ngày sau, tôi nhiều lần liên lạc với Vân để đòi số tiền trên thì bị Vân tìm cách lảng tránh không chịu trả và đến nay, Vân đã rời khỏi địa phương”, ông Đây lo lắng.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình chị Trần Thị Kim Dung (43 tuổi, trú tại thôn 4, xã Cư Suê) như đang ngồi trên đống lửa trước nguy cơ trắng tay vì trót đem tiền cho Vân vay để đáo hạn ngân hàng.
Theo chị Dung, cũng do chỗ quen biết với Vân, nhận thấy việc cho Vân vay tiền để đáo hạn ngân hàng (cho vay trong khoảng thời gian từ 5-10 ngày rồi sau đó lấy lại tiền gốc và lãi) có vẻ “ăn nên làm ra” nên đứng ra làm dịch vụ.
Cuối năm 2017, ngoài số tiền mặt và tài sản sẵn có, chị còn đi vay mượn của những người thân trong gia đình, bà con chòm xóm số tiền lên đến 7,5 tỷ đồng đưa cho Vân để hưởng tiền hoa hồng.
“Hơn 3 tháng đầu, Vân vẫn thực hiện việc trả tiền lãi và gốc cho tôi khá đầy đủ. Tuy nhiên, càng về sau khi Vân vay với số tiền nhiều hơn thì việc hoàn trả tiền gốc và lãi lại chậm hơn. Và hơn 1 tháng trở lại đây, Vân đã tìm cách trì hoãn với nhiều lý do rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Do không đòi được tiền nên tôi không có khả năng trả tiền lãi và gốc đã vay của những người thân. Hiện gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ trắng tay nếu Vân cố tình chiếm đoạt, không trả nợ”, chị Dung lo lắng.
Không chỉ gia đình ông Đây, chị Dung mà hàng trăm hộ dân tại xã Cư Suê và Ea Mnang đang hết sức lo lắng vì trót lỡ đưa tiền cho Vân. Người ít thì 200 triệu, có người lên đến 22 tỷ đồng.
Thế chấp sổ đỏ rởm… để vay tiền
Không chỉ dùng lời ngon ngọt để chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng của người dân bằng hình thức vay đáo hạn ngân hàng, mà “cò” Vân còn dụ dỗ, lừa gạt người dân cầm cố sổ đỏ giả, vô giá trị để vay số tiền hàng chục tỷ đồng.
Theo chị Võ Thị Nương (32 tuổi, trú tại xã Ea Mnang), vào khoảng đầu năm 2017, do chỗ quen biết với chị, Vân đã dẫn một người phụ nữ đến nhà nói cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng. Để đảm bảo vay, người phụ nữ này đã đưa ra hàng chục cuốn sổ đỏ nhờ chị Nương cầm cố để vay số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.
Chân dung “cò” ngân hàng Trần Thị Vân (ảnh do người dân cung cấp). |
“Khi vay, Vân có đứng ra bảo lãnh và hứa sẽ trả tiền gốc và lãi cho tôi đầy đủ. Vài tháng đầu, Vân và người phụ nữ kia giữ lời hứa. Tuy nhiên, sau đó thưa dần và chây ì không chịu trả. Nghi ngờ, tôi đem số sổ đỏ này đi kiểm tra thì phát hiện tất cả đều là giả”, chị Nương thông tin thêm.
Tương tự, gia đình anh Trần Văn Tròn (trú tại thôn 4, xã Cư Suê) đã tin lời Vân cầm cố 3 sổ đỏ để cho Vân và một người phụ nữ vay số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. “Sau nhiều lần đòi tiền không được, tìm ra nhà Vân mới biết gia đình cô ta đã bán nhà bỏ đi khỏi địa phương. Tôi đem sổ đỏ này đi hỏi thì mới tá hỏa bởi toàn bộ là sổ giả. Số tiền đem cho Vân vay mượn tôi phải gom góp từ người thân trong họ hàng. Giờ ra nông nỗi này không biết lấy gì mà trả cho họ đây”, anh Tròn than thở.
Theo trình báo của nhiều hộ dân, đến nay đã có hàng trăm người dân đưa tiền cho Vân với số tiền lên đến hơn 60 tỷ đồng. Để tìm hiểu rõ về vụ việc, PV Báo CAND trao đổi với ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê thì được biết, hiện chưa có đơn tố cáo nào của người dân lên chính quyền địa phương về việc bà Vân vay nợ rồi bỏ trốn. “Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đã chỉ đạo Công an xã đi xác minh thì được biết gia đình bà Vân đã vắng mặt khỏi địa phương”, ông Hoan cho hay.
Còn theo ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư MGar, hiện chính quyền địa phương cũng đã nắm thông tin sơ bộ về vụ việc. “Hiện, huyện đã có chỉ đạo UBND xã Cư Suê và Ea Nang khẩn trương vào cuộc tổ chức xác minh vụ làm rõ vụ việc.
Trao đổi với PV Báo CAND, Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng, Trưởng Công an xã Cư Suê, huyện Cư Mgar vừa cho biết; Công an xã đã tiếp nhận hàng loạt đơn tố cáo của người dân liên quan đến việc bà Vân vay tiền của người dân rồi bỏ trốn.
“Đến cuối giờ chiều, Công an xã đã tiếp nhận hơn 20 đơn tố cáo với số tiền lên đến hơn 60 tỷ đồng. Đơn vị cũng đã phân công cán bộ xuống địa bàn để xác minh, làm rõ nhằm đảm bảo ANTT tại địa phương”, Đại úy Hưng thông tin. Cũng theo Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng, bà Vân có hộ khẩu thường trú tại thôn 4, xã Cư Suê và làm công việc đáo hạn ngân hàng mấy năm nay. “Việc bà Vân cùng gia đình có bỏ trốn hay không thì Công an xã sẽ xác minh, thông tin kết quả đến cơ quan báo chí cũng như người dân sau”, Đại úy Hưng nói. |
Theo Văn Thành
Công an nhân dân