M&A ngân hàng có được hâm nóng?
Số lượng ngân hàng tại Việt Nam còn quá nhiều; việc rút gọn lại số lượng vẫn là điều cần thiết. Nên sang năm 2019 M&A có thể sẽ sôi động hơn chứ không im ắng như hiện này.
Một trong những thương vụ M&A đang được thị trường chờ đợi là HDBank nhận sáp nhập PGBank. Theo chia sẻ của đại diện HDBank, ngân hàng này dự kiến hoàn tất việc sáp nhập trong tháng 8/2018. Tháng 9/2018, HDBank hậu sáp nhập sẽ có sự sắp xếp lại hệ thống để sửa soạn cho kế hoạch thành lập công ty cho thuê tài chính, công ty kiều hối, công ty bảo hiểm.
Một trường hợp đáng chú ý khác là Saigonbank. Cổ đông lớn nhất của ngân hàng này – Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh – đã thoái vốn (hơn 18%) khỏi nhà băng này và đang lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn, thì liệu sau đó có thương vụ M&A nào diễn ra không?
Chuyên gia dự báo năm 2019 M&A ngân hàng sẽ nhiều thay đổi hơn
Trước đó, rất nhiều dự báo đầu năm 2018 nhận định M&A sẽ thực sự sôi động năm 2018. ĐHCĐ của nhiều ngân hàng cũng nghiên cứu đưa ra mục tiêu M&A như MB, LienVietPostBank, VPBank… song cho tới thời điểm này, mọi việc đang khá yên ắng. Hai năm qua, hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng khá trầm. Một trong những nguyên do được chuyên gia lý giải do còn hiếm hoi những nhà đầu tư trong nước có đủ tiềm lực tài chính.
Nhìn khái quát giai đoạn trước có thể thấy hoạt động M&A của các ngân hàng Việt Nam trải qua hai giai đoạn chính: giai đoạn trước tái cơ cấu ngân hàng (1990-2000) và giai đoạn trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng (2011 đến nay). Giai đoạn đầu, nhiều NHTMCP chủ yếu được thành lập từ sáp nhập các hợp tác xã tín dụng sắp phá sản. Giai đoạn hai – thời kỳ M&A ngân hàng diễn ra thật sự mạnh mẽ, chủ yếu ở việc bán cổ phần cho các định chế tài chính nước ngoài hoặc các tổ chức cá nhân trong nước, chưa có trường hợp nào ngân hàng trong nước mua lại ngân hàng nước ngoài. Vào thời điểm 2011, hệ thống NHTM Việt Nam có 52 NHTM, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 TCTD phi ngân hàng, 1 Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, chưa kể Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở và một số tổ chức tài chính quy mô nhỏ khác.
Điểm lại, giai đoạn 2011 – 2016, lĩnh vực ngân hàng ghi nhận 7 trường hợp M&A, với sự tham gia của 16 NHTM, đã khiến hệ thống giảm bớt đi 10 NHTM. Năm 2016 gần như không có thương vụ M&A nào thành công, chỉ duy nhất có trường hợp TPBank thành công trong việc hút vốn ngoại khi IFC đầu tư vào ngân hàng này khoảng 18,3 triệu USD qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, sở hữu 4,999% cổ phần TPBank.
Năm 2017, Công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (VVF) chính thức sáp nhập vào SHB. Thông tin được quan tâm nhất trong năm 2016 là PGBank sẽ sáp nhập vào VietinBank cũng không có một cái kết như dự định khi không hoàn tất được do vướng mắc trong thủ tục hành chính. Đến ngày 21/4/2018, VietinBank thông báo chấm dứt giao dịch sáp nhập với PGBank.
Ưu điểm của M&A được đánh giá là hoạt động tiết kiệm chi phí. Nhà nước, Chính phủ không phải mất quá nhiều nguồn lực để khắc phục hậu quả, giúp giữ ổn định thị trường tài chính. M&A sẽ là cách tạo điều kiện cho các ngân hàng có cơ hội gia tăng năng lực tài chính, mở rộng thị trường, quy mô để đạt được mức tăng trưởng tốt hơn.
Đặc biệt trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường ngân hàng ngày càng gay gắt, với sự tham gia của các ngân hàng ngoại và các công ty Fintech thì việc mở rộng nhanh dư địa tăng trưởng là cần thiết. Đã có những dấu hiệu cho việc M&A của một số ngân hàng. Song trao đổi với nhiều chuyên gia, phần lớn đều không cho rằng nửa cuối 2018 M&A sẽ thật sự sôi động trở lại.
“Phải nói thẳng thắn là các ngân hàng không quá mặn mà trong việc sáp nhập. Nếu nhìn trong quá khứ, hoạt động sáp nhập được đẩy mạnh do ở thời điểm đó có một số ngân hàng yếu kém, buộc phải sáp nhập với những ngân hàng mạnh hơn mới có thể tồn tại”, một chuyên gia nhìn nhận. Vì thế theo ông này, khi hệ thống ngân hàng dần trở nên lành mạnh hơn trước, thì những ứng viên để M&A cũng theo đó sẽ giảm bớt đi, và khiến hoạt động M&A phần nào bớt sôi động hơn giai đoạn trước.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, năm 2019 hoạt động M&A có thể sẽ đi vào một giai đoạn mới, vì tới cuối năm 2020 theo quy định ngân hàng phải đảm bảo mức vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng theo chuẩn mực vốn Basel II. Như vậy, nếu trường hợp những ngân hàng nhỏ không có khả năng đáp ứng được yêu cầu rất có thể sẽ phải tính tới phương án sáp nhập. Hơn nữa, số lượng ngân hàng tại Việt Nam còn quá nhiều; việc rút gọn lại số lượng vẫn là điều cần thiết. Nên sang năm 2019 M&A có thể sẽ sôi động hơn chứ không im ắng như hiện này.
Thời báo ngân hàng
[elementor-template id=”16904″]