Lợi thế thị phần trên 40% của CGV: Gây áp lực với nhà sản xuất phim Việt, chèn ép các rạp chiếu trong nước, và thoải mái tăng giá vé với người dùng
Lợi thế thị phần trên 40% của CGV: Gây áp lực với nhà sản xuất phim Việt, chèn ép các rạp chiếu trong nước, và thoải mái tăng giá vé với người dùng
Trong thông báo mới phát đi, hệ thống rạp chiếu phim CGV đã công bố: Giá vé sẽ có thêm phần phụ thu từ ngày 2/4/2018 tại tất cả các rạp chiếu.
Cụ thể, tại các rạp CGV ở TP.HCM và Hà Nội, phụ thu cao nhất là giá vé xem 3D vào ngày cuối tuần, lên tới 50.000 đồng/vé. Tại các rạp ở các tỉnh thành khác, phụ thu từ 5.000 đồng/vé và cao nhất là 30.000 đồng/vé đối với vé 3D ở tất cả các ngày trong tuần.
Bản tin thông báo bằng tiếng Anh của CGV đang khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Bởi giá vé bán ra của cụm rạp này đang ở mức cao nhất trên thị trường. Nếu cộng với mức phụ thu nói trên, giá vé CVG sẽ tiếp tục lập đỉnh mới.
CGV – Cụm rạp thống lĩnh thị trường phim ảnh Việt
Tốc độ tăng trưởng của ngành kinh doanh điện ảnh vài năm nay ở các đô thị lớn đang rất hấp dẫn, lên tới 20 – 25%/năm. Nếu doanh thu phòng vé cả nước năm 2008 là 100 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã chạm mốc 2.800 tỷ đồng.
Tính đến đầu tháng 12-2017, cả nước có 630 phòng chiếu phim, trong đó 65% số phòng chiếu thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.
Sự áp đảo thị phần của CGV đã và đang mang về doanh thu lớn cho doanh nghiệp này. Hiệp hội Phát hành phim cho biết, ước tính doanh thu bán vé từ các phim Việt Nam do CGV phát hành từ năm 2015 đến hết quý III/2017 lên tới 881,6 tỉ đồng.
Thường xuyên bị “tố” chơi xấu
Trên thực tế, trong vài năm gần đây, CGV gây ra khá nhiều “phốt” trong làng chiếu bóng Việt. Công ty này liên tục bị Hiệp hội phát hành phim và các đơn vị cùng ngành cáo buộc có dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để chèn ép các doanh nghiệp khác.
Cụ thể, đối với phim Việt Nam do CGV phát hành tại các rạp khác, CGV đòi tỉ lệ phân chia doanh thu cao. Trong khi đó, đối với phim Việt Nam do doanh nghiệp khác phát hành tại rạp của CGV, CGV lại yêu cầu tỉ lệ phân chia doanh thu thấp cho nhà phát hành. Điều này giúp CGV hưởng lợi từ cả hai mảng rạp chiếu và phát hành, các doanh nghiệp Việt Nam bị bóp nghẹt lợi nhuận và dần không còn đủ sức đầu tư, cạnh tranh trên thị trường.
“Thị phần của CGV trong lĩnh vực phát hành phim Việt Nam gia tăng nhanh chóng, ước tính từ 25% trong năm 2015 lên 44% trong năm 2016 và 61% trong 9 tháng đầu năm 2017. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, việc CGV chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường phát hành phim Việt Nam sẽ xảy ra trong tương lai gần” – thông cáo của Hiệp hội Phát hành phim từng đưa ra khuyến nghị hồi cuối năm 2017.
Đỉnh điểm nhất trong những lần cáo buộc là năm 2016, CGV bị 8 nhà sản xuất, phát hành phim trong nước: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA khiếu nại với Hiệp hội Điện ảnh về việc ăn chia thiếu công bằng, bất hợp lý tại các cụm rạp của mình.
Theo đó, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỉ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Trong khi đó, phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (chủ phim chỉ hưởng 45%).
Các đơn vị cho rằng tỉ lệ này chưa từng có trên thế giới, hệ thống rạp phim thu lợi lớn trong khi nhà sản xuất, phát hành bỏ nhiều chi phí để sản xuất, quảng bá lại thu về phần trăm thấp hơn. Các doanh nghiệp cũng khiếu nại CGV ủng hộ các phim do chính nước họ (Hàn Quốc) sản xuất với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn.
CGV ngay sau đó cũng đưa ra thông cáo phản bác. Vụ việc chìm dần, không có hướng giải quyết hay thông tin mới nào được đưa ra.
Với diễn biến tăng giá lần này của chuỗi rạp lớn nhất thị trường, CGV có thể sẽ đối mặt với sự phản ứng từ chính các khách hàng, chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp cùng ngành như trước nữa.
Theo Kiến Anh
Trí thức trẻ