Lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh vì chuyển hướng cho vay, tăng dịch vụ
Vừa hết quý 1, nhiều ngân hàng thông báo lợi nhuận với con số ấn tượng. Chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là tín hiệu tốt, tuy nhiên không nên chủ quan.
Trong quý I, Ngân hàng TMCP Phương Đông đã đạt trên 600 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Với ngân hàng TPBank, trong những tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt gần 276 tỷ đồng, tăng 90,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong quý I, LienVietPostBank cũng đã hoàn thành được 28% kế hoạch năm với hơn 500 tỷ lãi trước thuế. Tại VIB, ngân ngân hàng này đã hoàn thành được 25% mục tiêu 2.005 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm…
Tại Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank), một trong những ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong 2017 cũng đã đạt được doanh thu cao trong quý I vừa qua, ước tính mức lãi bình quân mỗi tháng đầu năm nay đạt khoảng 350 tỷ đồng, lũy kế cả quý đạt khoảng 1.050 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đây là những con số ấn tượng và cũng là tín hiệu đáng mừng của ngành ngân hàng. Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tốt trong quý I vừa qua là do được “thừa hưởng” những xu hướng tích cực của năm 2017, với mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Cùng với đó, việc xử lý nợ xấu đã có nhiều tiến triển tích cực, đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 42 đã tháo gỡ được nhiều khó khăn thách thức khiến áp lực về nợ xấu giảm mạnh.
Tăng thu phí dịch vụ sẽ góp phần tăng lợi nhuận ngân hàng. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một lý do nữa khiến lợi nhuận tăng cao trong quý I, đó là các ngân hàng đã tích cực chuyển hướng cho vay đối với lĩnh vực bán lẻ, tín dụng. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ tại đề án 1058, nhằm đảm bảo tính ổn định bền vững và lâu dài trong việc tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng cũng như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Cấn Văn Lực, các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động dịch vụ trong 2 năm trở lại đây theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đảm bảo tính ổn định bền vững và lâu dài trong việc tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng. Bởi hiện nay, hoạt động dịch vụ tại các ngân hàng Việt Nam còn khá nghèo nàn, lợi nhuận của ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động tín dụng. Nếu dựa quá nhiều vào tín dụng sẽ dẫn tới không phát triển bền vững. Ông Lực cho rằng, cần phải đa dạng hóa hoạt động dịch vụ ngân hàng để người dân được tiếp cận với dịch vụ có chất lượng tốt hơn.
Mặc dù đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong quý I, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu vẫn khuyến cáo, bên cạnh sự lạc quan về lợi nhuận trong quý I cũng phải nhìn nhận những con số này một cách thận trọng. Bởi đây mới chỉ là kết quả của một quý đầu chứ chưa phải cả tài khóa. Trong quá trình hoạt động, ngân hàng có nhiều khoản trích lập dự phòng, có một số ngân hàng có quỹ trích lập mỗi tháng nhưng cũng có ngân hàng trích lập dự phòng mỗi quý, có ngân hàng đến hết năm mới trích lập dự phòng. Do đó, kết quả lợi nhuận đạt được trong quý đầu có thể là dấu hiệu đáng mừng nhưng chưa phải là tiêu biểu cho cả năm.
Ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, để có thể đạt được mức lợi nhuận cao trong năm 2018 thì vấn đề tăng trưởng tín dụng cần được duy trì ở mức hợp lý. Tiếp đó, cần đẩy mạnh xử lý nợ xấu, thu hồi nợ và cố gắng không để phát sinh nợ xấu. Cuối cùng, các ngân hàng cần tăng cường thu phí dịch vụ ngân hàng theo chủ trương Của ngân hàng Nhà nước, của chính phủ, hạn chế lại cái độc canh tín dụng có niên hạn.
VOV