Lợi nhuận ngân hàng khởi động ấn tượng đầu năm 2018
Nhiều ngân hàng thương mại ước tính đạt lợi nhuận tốt trong quý 1/2018…
Ngày 29/3, một số ngân hàng thương mại tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Kết quả lợi nhuận ước tính quý đầu tiên được báo cáo với cổ đông.
Tiếp tục thể hiện tốc độ trong năm 2017, Ngân hàng Quốc tế (VIB) đang là trường hợp tạo ấn tượng mạnh khi lợi nhuận quý 1/2018 ước tính đạt gấp ba lần cùng kỳ năm trước.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 29/3, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đặng Khắc Vỹ cho biết, quý đầu tiên của năm nay VIB ước đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận – bước khởi đầu cho chỉ tiêu lãi 2.005 tỷ cả năm, trong tham vọng thực tế có thể đạt 2.300 – 2.500 tỷ đồng.
Với thông tin trên, VIB là trường hợp tiếp theo đặt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm nay ở mức cao, vào khoảng hơn 60%. Trước đó, nhiều thành viên khác như Techcombank, HDBank, VPBank, MB… cũng đã xác định chỉ tiêu tăng trưởng này ở mức cao trong 2018.
Diễn ra cùng ngày 29/3, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, con số lợi nhuận quý đầu tiên cũng đã được ước tính.
Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho biết, quý 1/2018, MB ước tính sẽ đạt doanh thu khoảng 3.500 – 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tối thiểu là 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2017.
Năm 2018, MB đặt chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng 47%, ứng với khoảng 6.800 tỷ đồng. Trước đó, ông Thái cho biết, đây là chỉ tiêu an toàn và tin cậy; MB có thể tạo kết quả lợi nhuận tăng đột biến, nhưng ngân hàng lựa chọn mức tăng trưởng hợp lý và bền vững hơn.
Trước VIB và MB một ngày, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đã tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Thông tin tại đại hội này cho biết, quý đầu năm nay LienVietPostBank ước đạt hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành khoảng 28% kế hoạch cả năm và tăng trưởng hơn 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), một hiện tượng tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong 2017 cũng đang tiếp tục thể hiện, khi ước tính mức lãi bình quân mỗi tháng đầu năm nay đạt khoảng 350 tỷ đồng, lũy kế quý 1/2018 đạt khoảng 1.050 tỷ đồng. Và như thông tin đưa ra trao đổi với nhà đầu tư trong năm 2017, HDBank dự kiến sẽ chốt lại tỷ lệ cổ tức lên tới 30% trình đại hội đồng cổ đông vào ngày 21/4 tới.
Trong các ngân hàng đã bước đầu xác định kết quả lợi nhuận quý 1/2018, có một điểm đáng chú ý ở VIB: tăng trưởng tín dụng đã đạt 13% trong khi chỉ tiêu tăng trưởng Ngân hàng Nhà nước giao chỉ ở mức 14%.
Năm nay, bước đầu Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các thành viên ở các mức khá thấp, nhằm kiểm soát tốc độ chung của ngành, cũng như an toàn hệ thống. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, theo thực tế, các quý trong năm các thành viên sẽ trình và cơ quan này sẽ xem xét nới chỉ tiêu theo điều kiện của mỗi thành viên.
Như trong năm 2017, bước đầu tại VIB hay MB, lợi nhuận được ghi nhận và có đóng góp lớn từ việc thúc đẩy mảng bán lẻ. Đây cũng là xu hướng gia tăng lợi nhuận chung của hệ thống năm nay, tiếp tục tăng trưởng ở phân khúc có tỷ lệ lãi biên cao hơn so với hoạt động cho vay truyền thống.
Một điểm đáng chú ý khác, theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao trong quý 1/2018 – một kênh mang lại nguồn thu lớn cho nhiều ngân hàng thương mại trong 2017 cũng như triển vọng 2018.
Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý 1/2018 ước tính tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 28%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.
Liên quan, tại đại hội đồng cổ đông, VIB cho biết đã nhanh ký lại hợp đồng với Prudentail sau hai năm 2016 và 2017 tăng trưởng 100%. Và đến cuối tháng 3, doanh số đạt tương đương hơn 30% chỉ tiêu cam kết trong năm.
Ở kênh kết nối với bảo hiểm và tạo nguồn thu lớn này, hiện nhiều ngân hàng thương mại đều đã sở hữu những hợp tác chiến lược dài hạn với các hãng bảo hiểm lớn, cũng như đã thể hiện rõ về tăng trưởng thu dịch vụ năm qua như tại Techcombank, SHB, Sacombank, VIB, VietinBank…
Theo VnEconomy