Làm nông ‘khôn’ như Vingroup: Không mơ thực phẩm Organic, rà hộ sản xuất theo tuyến đường để tiết kiệm phí logistics, bán hàng qua hệ sinh thái VinMart, Vinschool và 40.000 nhân viên
“Hiện giờ tất cả các mô hình liên kết nông nghiệp đều gặp vấn đề ở đầu ra”, đại diện VinEco cho biết. Trong khi đó, đầu ra ổn định chính là lợi thế của đơn vị này khi có thể bán hàng qua VinMart, đưa hàng vào Vinmec, Vinschool, lỡ dư một ít sản lượng có thể “hô 1 tiếng”, 40.000 nhân viên nội bộ mỗi người 1kg là không còn hàng tồn.
VinEco được thành lập vào tháng 4/2015, đánh dấu bước chân vào nông nghiệp của tập đoàn Vingroup.
Tại Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân 2018, bà Đỗ Thị Lan Nhi, đảm nhiệm vị trí Quản lý sau thu hoạch – Logistics và tham gia dự án liên kết với nông dân của VinEco , đã tiết lộ ít nhiều về cách làm nông nghiệp của Vingroup.
Không nhắm vào sản phẩm trên đỉnh tháp nhu cầu
VinEco bắt đầu làm nông nghiệp bằng cách tự sản xuất tại các nông trường, sau hơn 1 năm thì mới bắt đầu liên kết với nông dân. Hiện nay VinEco có 15 nông trường trên cả nước, tập trung sản xuất những giống mới, cần công nghệ cao… và liên kết với 1000 hộ sản xuất.
Theo bà Lan Nhi, VinEco đang giữ tỉ lệ khoảng 50/50 giữa tự sản xuất và liên kết. Kết hợp hai mô hình này giúp Vingroup có thể cung cấp sản phẩm theo nhu cầu đa dạng của thị trường mà không cạnh tranh với người nông dân.
Các sản phẩm VinEco cung cấp tới nay chủ yếu là sản phẩm an toàn – tức là không phải sản phẩm với tiêu chuẩn nằm trên đỉnh tháp nhu cầu về thực phẩm sạch.
Bà Lan Nhi cho biết: “Xét trên cái tháp nhu cầu thì rất nhiều đơn vị sẽ quan tâm đến đỉnh của phần tháp, ví dụ như: không sử dụng hóa chất, hữu cơ… Nhưng ở giai đoạn này VinEco chỉ mong có sản phẩm an toàn về mặt thuốc bảo vệ thực vật và các kim loại nặng cho mặt bằng rộng cho tất cả mọi người, chứ không hướng đến nhu cầu cao hơn. Ở giai đoạn sau sẽ có những định hướng mới”.
Đây được cho là lựa chọn khôn ngoan của VinEco vì sản phẩm an toàn phù hợp với khả năng sản xuất của bà con nông dân và tất nhiên, cũng hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng Việt Nam hơn nhiều so với sản phẩm hữu cơ (Organic).
“Rà” hộ sản xuất theo tuyến đường để tiết kiệm chi phí logistics
Ngoài ra, VinEco rất tính toán về mặt logistics . Khi bắt đầu liên kết với nông dân, để chọn hộ sản xuất, VinEco đi “rà” hết những hộ sản xuất ở khu vực thuận lợi về mặt tuyến đường nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển trong giai đoạn thu mua sản phẩm. Những hộ sản xuất không nằm trên tuyến đường sẽ ít có cơ hội hợp tác hơn, như bà Lan Nhi xác nhận: “để hợp tác bền vững thì cần yếu tố địa lý”.
Chị Đỗ Thị Lan Nhi chia sẻ tại sự kiện
Chuyện logistics cũng liên quan đến con số 1000 hộ nông dân mà VinEco đang liên kết. “Tại sao là 1000 chứ không phải 2000 hay 5000?” chị Lan Nhi đặt câu hỏi. “Vì tới một ngưỡng nhất định mình sẽ không thể lo được đầu ra”.
“Hiện giờ chúng tôi có ở miền nam và miền bác, ví dụ như nhu cầu ở Đà Nẵng cực nhiều nhưng đi từ miền bắc vào cũng xa mà miền nam vào cũng xa, chưa bàn tới chi phí nhưng rau cũng không tươi.”
“Nó sẽ dừng đến một ngưỡng, nếu mình muốn vượt ngưỡng đó thì mình cần phải có 1 mô hình khác, ví dụ như sắp tới sẽ định hướng xuất khẩu,” chị Lan Nhi cho hay.
Biến quy định VietGAP thành… sách hình, coi nhân vật kết nối bà con là tiêu chuẩn ngầm khi chọn hộ sản xuất
Tiêu chí sản xuất VinEco đưa ra cho bà con nông dân được xây dựng dựa trên cơ sở VietGAP . Sau khoảng 3 tháng đầu triển khai chương trình liên kết thì những tiêu chí trên được… vẽ lại thành một cuốn cẩm nang toàn hình là hình.
“Ví như VietGAP nói rằng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục thì sẽ có những hình minh họa, những câu viết ngắn gọn, hình ảnh màu. Đặc biệt phần liên quan đến thuốc mà vệ sinh an toàn thực phẩm có hình cơ bản để có thể hiểu,” bà Lan Nhi nêu ví dụ.
Hơn nữa, trong quy trình tuyển chọn hộ sản xuất, bên cạnh các hình thức sàng lọc (hồ sơ, test mẫu qua nhiều vòng) thì VinEco còn có một tiêu chuẩn ngầm để chọn đối tác sản xuất, mà chị Lan Nhi gọi là “nhân vật cầu nối.”
“Việc tuân thủ chỉ có thể được duy trì nếu trong tổ hợp tác có một nhân vật đi kiểm soát và cố vấn cho bà con.
Nếu như một tổ mà chỉ đơn giản 10 người với nhau, không ai chịu trách nhiệm, thì chắc chắn không sớm thì muộn thì sẽ có vấn đề. Đâu đó trong 10 người sẽ có 1 người làm gì đấy làm con sâu làm rầu nồi canh. Thì khi chọn một tổ như vậy thì người tạm thời gọi là kiểm soát kỹ thuật – anh đó phải nắm được kĩ thuật và có tiếng nói với bà con.”
Theo đại diện VinEco, nhân vật cầu nối này cần là người hiểu về nông nghiệp, có trải nghiệm để hướng dẫn người nông dân, là cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân.
“Việc tuân thủ chỉ có thể được duy trì nếu trong tổ hợp tác có một nhân vật đi kiểm soát và cố vấn cho bà con.”
“Chứ nếu doanh nghiệp làm trực tiếp với người nông dân họ có 30, 40 năm kinh nghiệm nhưng không thể nào thay đổi được quan điểm của họ. Và cũng không có đủ thời gian để mà đi từng người, mỗi người có 1.000 – 2.000 m2.”
Về quy trình tuyển chọn và liên kết với nông dân, bà Đỗ Thị Lan Nhi cho biết: “Phần tốn chi phí kha khá lớn nhưng giúp tác động đến nhận thức người nông dân rất nhiều là test sản phẩm.” Việc test được tiến hành qua nhiều vòng sàng lọc, và được duy trì.
Quy trình tuyển chọn và liên kết với nông dân của VinEco
Đầu ra ổn định với hệ sinh thái của Vingroup gồm VinMart, VinMart+, Vinschool, Vinmec…
Khi được hỏi về nhân tố thành công của VinEco trong 3 năm qua, bà Lan Nhi cho biết: “VinEco có lợi thế hơn tất cả những chỗ khác là có hệ thống đầu ra ổn định, chính là hệ sinh thái của Vingroup”.
“Riêng về những hộ dân ở VinHomes, 40000 nhân viên, cộng đồng dân cư, lỡ có dư một ít sản lượng, hô 1 tiếng mỗi người hô 1 cân thôi là hết sạch. Chưa kể có một hệ thống bệnh viện, trường học, hoàn toàn có thể đưa hàng thông qua đó”.
Bên cạnh đó, chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ với gần 1.000 điểm bán cũng là lợi thế trong phân phối thực phẩm cho VinEco.
“Hiện giờ tất cả các mô hình liên kết nông nghiệp đều gặp vấn đề ở đầu ra,” đại diện VinEco nói thêm.
Trí thức trẻ