Kinh tế Vũ Hán chật vật hồi sinh
Homestay của Li Jing được đón khách trở lại từ mai nhưng anh biết, các căn hộ như của anh có thể trống khách nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
Li Jing đã đếm ngược từng ngày chờ đến khi Vũ Hán dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Công ty của anh quản lý hàng trăm căn hộ homestay cho thuê và bắt đầu có thể đón khách trở lại vào thứ tư (8/4). Đó cũng là lúc lệnh được dỡ bỏ ở hàng loạt đô thị. Xe lửa có thể rời đi, cảng hàng không nối lại các chuyến bay và ôtô được phép trở lại đường cao tốc.
Giá thuê căn hộ của Li Jing đã giảm mạnh về 0, khi lệnh phong tỏa được triển khai ở Vũ Hán ngày 23/1, sau đó mở rộng ra toàn thể tỉnh Hồ Bắc, với diện tích tương đương Italy. Trong nỗ lực tìm kiếm khách đặt phòng, các căn hộ của ông cam kết được làm sạch và khử trùng trong ba giờ giữa các lần lưu trú. Ông cũng định phát triển thêm dịch vụ phòng.
Tuy nhiên, ngay cả khi Vũ Hán – nổi danh với Hoàng Hạc Lâu và đại lộ hoa anh đào – đã mở cửa trở lại thì Li biết rằng các căn hộ cho thuê vẫn sẽ trống khách trong nhiều tuần, thậm chí là vài tháng sắp tới.
“Tôi hy vọng rằng người Trung Quốc sẽ tin tưởng chúng tôi và quay trở lại Vũ Hán”, ông chủ 33 tuổi nói trong một cuộc phỏng vấn ở con phố mua sắm thuộc trung tâm thành phố. Đó là một ngày xuân ấm áp, mọi người đeo khẩu trang và đang di chuyển thận trọng bằng cách giữ khoảng cách với nhau.
“Tuy nhiên, đây không phải là nơi đầu tiên mà mọi người sẽ chọn đến thăm”, ông Li thừa nhận. Là tâm chấn khởi phát của đại dịch toàn cầu hiện nay, Vũ Hán đang có một tương lai bấp bênh hậu Covid-19.
Thiệt hại đáng kể
Trong khi các nhà máy sản xuất thép và ôtô ở Vũ Hán, trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, được phép khởi động lại, các công nhân trở lại công việc chậm chạp, chuỗi cung ứng vẫn bị xáo trộn. Các trung tâm mua sắm đã được mở lại, nhưng hầu như trống rỗng. Mọi người vẫn còn quá sợ hãi để đi ra ngoài vì bất cứ lý do gì, ngoài chuyện mua nhu yếu phẩm.
Vũ Hán là thành phố đầu tiên trên thế giới thể hiện đã dập tắt Covid-19 nhanh như thế nào. Tuy nhiên, mọi hoạt động của người dân vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Các quan chức tại đây vẫn cảnh giác cao độ về bất kỳ nguy cơ tái bùng phát nào.
Với hơn một nửa số người Trung Quốc được công bố chính thức là dương tính và tử vong tại đây, Vũ Hán là nơi Covid-19 khởi phát cũng như để lại vết thương sâu nhất. Từng là một đơn vị kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc, với tăng trưởng GDP năm ngoái ước khoảng 7,8%, giờ đây thành phố phải vật lộn với hàng loạt thách thức khi khởi động lại.
Chen Bo, Giáo sư kinh tế tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung (Vũ Hán) nói rằng thiệt hại là rất đáng kể. “Cho đến tháng 2, tổn thất tài chính là khoảng một tỷ USD và GDP có thể giảm ít nhất 50%”, ông Chen nói. “Tác động xã hội và tâm lý đến đầu tư và du lịch trong thành phố có thể kéo dài khá lâu”, ông nhận định.
Chỉ cần tồn tại
Cảnh bi thảm trong các bệnh viện hỗn loạn và những bệnh nhân tuyệt vọng ở Vũ Hán vừa qua giờ đã được nhân rộng ở nhiều thành phố trên thế giới. Và sự phục hồi kinh tế của thành phố này cũng sẽ là bài học cho những nơi đang chịu khó khăn hàng đầu vì đại dịch, như Bergamo (Italy) hay New York (Mỹ), khi gượng dậy từ việc đình chỉ sản xuất và những doanh nghiệp bị tổn thương vì Covid-19.
Một vấn đề quan trọng trong câu chuyện chiến thắng đại dịch của chính phủ Trung Quốc là việc dỡ bỏ phong tỏa sẽ chưa mang lại cuộc sống bình thường cho Vũ Hán, khi số ca nhiễm mới chính thức hàng ngày đã giảm xuống dưới 30 thay vì hàng nghìn ca như hồi giữa tháng 2. Dấu hiệu hồi phục sẽ là một quá trình chậm chạp và đau đớn. Cú sốc của dịch bệnh vẫn còn kéo dài và đang có lo ngại về làn sóng bùng phát virus thứ hai, khiến các doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động đầy đủ.
“Mục tiêu đầu tiên trong năm 2020 của chúng tôi là tồn tại được”, Ma Renren, 33 tuổi, giám đốc điều hành một công ty tiếp thị nhỏ, cho biết. Ma trả lời khi đang ngồi bên ngoài một quán Starbucks ở quận phía tây bắc Vũ Hán. Đây là lần đầu tiên anh đến sau hơn hai tháng. “Mục tiêu thứ hai là doanh nghiệp của chúng tôi tồn tại”, anh nói tiếp.
Hàng rào thép gai
Cuộc sống trên toàn thành phố đã bị thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Một số cư dân giờ có thể ra vào khỏi khu chung cư của họ, nhưng hàng rào thép gai vẫn được duy trì nhiều nơi để ngăn mọi người trèo khỏi khu vực cách ly. Hơn 2.500 người đã chết vì Covid-19 tại Vũ Hán, dù rằng con số này làm dấy lên nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về cách kiểm đếm của chính phủ Trung Quốc.
Nhân viên văn phòng của Xiaomi ở phía đông thành phố có thể quay trở lại làm việc, nhưng chỉ tối đa 5 người được phép đứng cùng trong một thang máy. Sàn thang máy sẽ đánh dấu cụ thể vị trí mà mỗi người được đứng, trông như thể một nhóm nhạc xếp đội hình để chuẩn bị trình diễn. Trong một khách hàng 5 sao, bữa ăn sáng tự chọn cho khách lưu trú được giản lược số món. Một vài món sẽ được đóng gói sẵn từng hộp để phục vụ riêng lẻ.
Trước khi có virus, Vũ Hán đã được xếp hạng thành phố hoạt động tốt thứ 9 của Trung Quốc trong một báo cáo năm 2019 của Milken Institute, tăng 7 bậc so với năm trước đó. Thành phố này đã chuyển mình lên các lĩnh vực công nghệ cao hơn, từ sản xuất chip đến y sinh, và là một trong những trung tâm ôtô hàng đầu của Trung Quốc, nơi có hàng trăm nhà cung cấp phụ tùng xe.
Nhà máy Peugeot
Các nhà máy ở Vũ Hán đang cố gắng khôi phục sản xuất. Việc lắp ráp xe Peugeot mới đã bắt đầu tại một nhà máy được điều hành bởi một liên doanh giữa PSA Group và Dongfeng Motor Group. “Vẫn còn nhiều thách thứcvề logistics, vận chuyển và chuỗi cung ứng”, Mei Yunfeng, một quản lý tại nhà máy, cho biết. Ông nói rằng, nhiều nhà cung cấp vẫn chưa tăng tốc sản xuất.
Giáo sư Chen cho rằng, thành phố sẽ chưa thể nối lại đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tương lai gần. Ông dẫn chứng rằng, sau khi dịch SARS xuất hiện vào năm 2003, vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Đông – nơi dịch bệnh khởi phát – đã cạn kiệt trong hai đến ba năm.
“Điều tương tự sẽ xảy ra với Vũ Hán. Các nhà đầu tư sẽ thận trọng vì sợ bùng phát trong tương lai. Và về mặt tâm lý, họ cũng nghĩ rằng thành phố này không được quản lý tốt”, vị giáo sư nói. “Đại dịch này có tác động ở mức tàn phá đến kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Vũ Hán”, ông nhận định.
Sợ mất mã màu
Ngay cả khi thành phố này đã đi qua đỉnh dịch, nỗi sợ virus quay trở lại Vũ Hán vẫn ngày càng dâng cao. Nỗi sợ này đã hình thành nên một hệ thống đang sử dụng trên toàn quốc, phân bổ mã màu cho mọi người dân.
Thông qua theo dõi việc sử dụng các ứng dụng cung cấp bởi Alibaba và Tencent, mỗi người dùng sẽ được gán một trong ba màu – xanh lá cây, vàng hoặc đỏ – dựa trên vị trí, thông tin sức khỏe cơ bản và lịch sử đi lại của họ.
Chỉ những người có mã màu xanh lá cây mới được phép rời khỏi căn hộ và đi làm việc ở Vũ Hán. Nhưng rất dễ bị mất mã xanh. Chỉ cần họ đến một trung tâm mua sắm, nơi sau đó có một ca dương tính được xác nhận thì mã màu của họ lập tức sẽ chuyển sang vàng. Với mã màu này, họ phải tự cách ly ở nhà.
Vũ Hán vẫn đang phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh mới, ở những người mang virus nhưng không có triệu chứng. Những trường hợp cho là đã đóng một vai trò to lớn trong việc lây lan dịch bệnh một cách âm thầm.
Chính sự e ngại mất mã xanh của người dân là trở lực với doanh nghiệp. Tại Vũ Hán International Plaza, trung tâm thương mại sang trọng nằm gần sông Dương Tử, một trợ lý bán hàng của Calvin Klein với họ là Yu, cho biết cửa hàng chỉ bán được 2 lượt kể từ khi mở lại vào ngày 30/3. Trước đây, cửa hàng từng có doanh số 20.000 nhân dân tệ (2.820 USD) mỗi cuối tuần.
“Tôi thật sự hạnh phúc hơn nếu không ai đến đây”, Yu nói. “Như vậy an toàn hơn”, anh nêu lý do.
Theo Vnexpress.net