Kienlongbank: Lãi ròng 121 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đang đầu tư hơn 230 tỷ vào cổ phiếu Sacombank và Maritime Bank
Đầu tư chứng khoán là mảng đem lại mức lợi nhuận tăng mạnh nhất cho Kienlongbank trong 6 tháng qua. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của ngân hàng tăng đáng kể nhưng so với kế hoạch cả năm thì 6 tháng mới hoàn thành được 30%.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank – KLB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018.
Tại thời điểm 30/6, ngân hàng có tổng tài sản hơn 39,2 nghìn tỷ đồng, tăng thêm 2 nghìn tỷ so với cuối năm 2017.
Trong đó, cho vay khách hàng đạt hơn 27.100 tỷ, tăng 10,8% so với đầu năm. Tiền gửi Ngân hàng Nhà nước hơn 2.910 tỷ đồng, tăng 29,3%.
Tín dụng tăng mạnh nhưng ngân hàng này cũng kiểm soát khá tốt về chất lượng khi 6 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 239 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 0,87% trong tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức 0,84% hồi đầu năm và là một trong số ít các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 1%.
Đến hết tháng 6, ngân hàng huy động được 27.936 tỷ đồng từ khách hàng, tăng 6,93% so với đầu năm.
Trong kinh doanh, Kienlongbank ghi nhận thu nhập lãi thuần quý 2 ở mức 262 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần giảm 4,4% đạt 476 tỷ.
Hoạt động dịch vụ giúp ngân hàng lãi thuần hơn 12,6 tỷ đồng trong quý 2 và hơn 25,4 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng lần lượt 14,5% và 21% so với cùng kỳ năm 2017.
Chứng khoán đầu tư là mảng đem lại lợi nhuận tăng nhiều nhất trong quý 2 và 6 tháng. Cụ thể riêng quý 2 mảng chứng khoán đầu tư giúp ngân hàng lãi thuần 33 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ và 6 tháng lãi thuần 76 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt có 8 tỷ – mức tăng tương đương tới hơn 9,5 lần.
Tuy nhiên, các hoạt động khác lại không được lạc quan. Riêng quý 2 năm nay hoạt động khác chỉ giúp Kienlongbank có thêm được 3 tỷ đồng lãi thuần bổ sung vào doanh thu và 6 tháng là 6 tỷ, trong khi cùng kỳ năm trước con số đạt được là hơn 16,6 tỷ đồng.
Nhưng các mảng kinh doanh yếu lại chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, nhờ đó lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro của ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó riêng quý 2 đạt mức tăng 10,5% với 95 tỷ và 6 tháng tăng 3,7% đạt 169 tỷ đồng.
Đồng thời, nhờ nâng cao chất lượng hoạt động nên dự phòng rủi ro của ngân hàng trong năm nay cũng giảm đáng kể, mức giảm trên dưới 40% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả là, trong quý 2 ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tới 77,7 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ và 6 tháng tăng 14,4% đạt 151 tỷ đồng.
Sau khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, Kienlongbank báo lãi ròng 62 tỷ đồng trong quý 2 và 121 tỷ đồng cho 6 tháng.
Mặc dù lợi nhuận tăng nhưng so với kế hoạch đề ra là lãi trước thuế 405 tỷ đồng trong năm nay thì hết 6 tháng ngân hàng mới đi được 1/3 quãng đường.
Kienlongbank báo lãi trước thuế 151,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 14% so với cùng kỳ 2017
Trở lại với hoạt động đầu tư chứng khoán – mảng có lãi tăng mạnh nhất ở Kienlongbank trong 6 tháng qua. Nhìn vào báo cáo tài chính của KLB có thể thấy trong năm nay ngân hàng đã bán bớt một lượng lớn cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank và MSB của ngân hàng Maritime Bank. Nhờ chốt lãi đúng lúc thị trường chứng khoán thăng hoa và đạt đỉnh nên lợi nhuận cao là điều có thể đoán định được. Cuối năm 2017, Kienlongbank có hơn 520 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu 2 ngân hàng nói trên thì đến cuối tháng 6 chỉ còn 231 tỷ.
Ngoài ra, Kienlongbank cũng đã tất toán lượng lớn trái phiếu Chính phủ. Tại thời điểm 30/6, ngân hàng chỉ còn giữ 500 tỷ đồng trái phiếu sẵn sàng để bán và hơn 61 tỷ giữ đến ngày đáo hạn, giảm trên một nửa so với cuối năm trước.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng xử lý được gần 150 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, qua đó giảm lượng trái phiếu VAMC nắm giữ từ mức 370 tỷ đồng hồi cuối năm 2017 xuống còn 222 tỷ đồng hiện nay.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]