Không "xin-cho" khi làm cao tốc Bắc – Nam 26/3

Lựa chọn các ban quản lý dự án có năng lực, uy tín qua kiểm nghiệm thực tế để giao các dự án cao tốc Bắc – Nam và việc này được thực hiện công tâm, khách quan.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIV, với 83,1% tổng số đại biểu QH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Theo nghị quyết, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ ưu tiên đầu tư trước 11 dự án thành phần dài 654 km, tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng (55.000 tỉ đồng vốn nhà nước). Trong đó, có 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOT; 3 dự án đầu tư công.

“Trảm” lãnh đạo nếu chậm tiến độ

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể thẳng thắn bày tỏ: “Bộ GTVT thực hiện rất công tâm, khách quan, không có chuyện “xin – cho” trong việc giao các dự án này”.

Theo ông Thể, việc giao dự án cho các ban quản lý dự án (QLDA) căn cứ trên 3 tiêu chí: Những ban QLDA đã tham gia nghiên cứu dự án cao tốc này từ những năm trước; năng lực, uy tín của các ban QLDA; kết quả các ban QLDA đã thực hiện ở những công trình giao thông nằm trên những địa bàn khác, nguồn vốn khác ngoài dự án cao tốc Bắc – Nam.

Theo tư lệnh ngành giao thông, đây là một dự án trọng điểm, không chỉ của ngành mà là của quốc gia. Do đó không thể giao cho đơn vị không hiểu biết về dự án hoặc không có kinh nghiệm, năng lực thực hiện các dự án lớn. Thậm chí đối với các ban QLDA có hồ sơ năng lực tốt, đã được giao mà không đảm trách nhiệm vụ, chậm tiến độ, sai sót trong quản lý sẽ bị thu hồi và kỷ luật người đứng đầu.

“Những ban ít việc nhưng vẫn điều hành chậm chạp, bộ sẽ thu hồi dự án giao cho ban khác và kỷ luật lãnh đạo ban. Đối với các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, ban nào được giao nhiệm vụ quản lý dự án phải bảo đảm tiến độ, gói thầu nào chậm sẽ “trảm” lãnh đạo” – Bộ trưởng Thể khẳng định.

Không xin-cho khi làm cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT khẳng định không đề xuất chỉ định thầu dự án cao tốc Bắc – Nam, không có chuyện “xin – cho” trong giao dự án. Trong ảnh: Tuyến cao tốc đại lộ Thăng Long (Hà Nội)

Cuối năm khởi công gói thầu đầu tiên

Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ GTVT, cho biết công tác chuẩn bị cho 3 dự án đầu tư công gồm các đoạn cao tốc: Cao Bồ (Nam Định) – Mai Sơn (Ninh Bình); Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên – Huế); cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang – Vĩnh Long) để kết nối đường cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, hiện cơ bản đáp ứng theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Trong đó, dự án Cao Bồ – Mai Sơn dự kiến hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh dự án trong tháng 5-2018.

Với dự án Cam Lộ – La Sơn, ông Lâm cho biết dự kiến sẽ hoàn thành công tác phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 5, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cho gói thầu đầu tiên trong tháng 10-2018. “Bộ GTVT đề nghị Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai những công việc tiếp theo, phấn đấu khởi công gói thầu đầu tiên trong năm nay” – ông Lâm cho hay.

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, theo ông Lâm, công tác chuẩn bị đầu tư cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu. “Ban QLDA 7 sẽ trình bộ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào đầu tháng 7 và hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo trong tháng 9” – ông Lâm nói.

Còn 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư, cho biết với 3 dự án nhóm 1 đoạn: Mai Sơn – Nghi Sơn và Dầu Giây – Phan Thiết, chỉ có dự án Quốc lộ 45 – Nghi Sơn đáp ứng tiến độ yêu cầu trình Bộ GTVT trong tháng 3. Hai dự án còn lại (Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dầu Giây – Phan Thiết) tiến độ trình Bộ GTVT chậm khoảng 1 tháng.

“Đối với 5 dự án nhóm 2, có 2 dự án đoạn Nghi Sơn – Bãi Vọt dự kiến trình Bộ GTVT ngày 16-5. Còn lại 3 dự án đoạn Nha Trang – Phan Thiết do phải điều chỉnh hướng tuyến, các ban QLDA cam kết trình Bộ GTVT khoảng cuối tháng 5-2018” – ông Danh Huy cho hay.

Theo kế hoạch dự kiến tháng 7-2018, toàn bộ 11 dự án của cao tốc Bắc – Nam sẽ được phê duyệt. Nội dung phê duyệt gồm thiết kế kỹ thuật; chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Sau đó, các ban QLDA của bộ phải làm việc với các địa phương nơi dự án đi qua để thực hiện giải phóng mặt bằng ngay.

Bộ GTVT không đề xuất chỉ định thầu

Theo bộ trưởng GTVT, từ tháng 7 cho đến cuối năm 2018, Bộ GTVT sẽ lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán dự án chi tiết để phát hành hồ sơ mời thầu, bảo đảm minh bạch quá trình đấu thầu. Sẽ có sơ tuyển trong mời thầu và khi tham dự thầu phải bảo đảm nguồn tài chính, đầu năm 2019 sẽ cho tổ chức đấu thầu quốc tế. Sau đấu thầu, hết 3 tháng, nhà đầu tư không lo được vốn sẽ hủy kết quả, tránh tình trạng nhà đầu tư không lo được vốn làm trễ công trình.

“Về quan điểm của Bộ GTVT, phải đấu thầu ít nhất 2 lần, nếu lần 2 không thành công, Bộ GTVT mới trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH chủ trương đấu thầu tiếp hay chỉ định thầu. Bộ GTVT không đề xuất chỉ định thầu” – ông Thể cho hay.

Theo Nguyễn Thế

Người lao động

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…