Không trả lương cao như Techcombank hay VPBank, cổ phiếu cũng rẻ hơn, nhưng VIB lại đang thể hiện "đẳng cấp" hơn

Trong nhóm ngân hàng tầm trung, VIB đang là một trong những cái tên nổi bật nhất khi có chế độ đãi ngộ hào phóng cho nhân viên, còn cổ đông thì vẫn đều đặn nhận cổ tức dù lúc thị trường khó khăn hay thuận lợi.

Nhân viên đãi ngộ hàng top, cổ đông đều đặn nhận cổ tức

Theo BCTC ngân hàng mẹ của VIB năm 2017, ngân hàng này đã chi hơn 1.130 tỷ đồng bao gồm lương và thu nhập khác cho nhân viên. Tính bình quân mỗi tháng nhân viên VIB có thu nhập 20,3 triệu đồng. Trong nhóm ngân hàng cùng quy mô, VIB đang là một trong những nhà băng dẫn đầu về mức chịu chi cũng như có tốc độ tăng lương thưởng cao nhất. Năm 2015, thu nhập bình quân người/tháng tại VIB mới chỉ ở mức 14,6 triệu, sau 5 năm đã tăng thêm 6 triệu (tương đương 41%). Thậm chí, thu nhập của nhân viên VIB hiện còn cao hơn một số ngân hàng lớn khác như Sacombank, SCB, Eximbank, …

Những năm gần đây, ngân hàng này thay đổi phương thức trả lương cho nhân viên, đặc biệt các vị trí trực tiếp kinh doanh và các vị trí ở tầng chuyên môn nghiệp vụ, để tăng hiệu quả hoạt động. Cụ thể, thông qua chính sách trả lương theo mức độ đóng góp, lương bình quân của các vị trí quản lý khách hàng đã tăng thêm 30%.

Bên cạnh đó, theo hình thức phát hành cổ phiếu ESOP để giữ chân nhân tài, ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của VIB đã thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên. Ở đa số các ngân hàng khác, cổ phiếu ESOP sẽ đi kèm với điều kiện hạn chế chuyển nhượng 1-3 năm để níu chân nhân sự càng lâu càng tốt, chẳng hạn như VPBank, và điều này cũng khá hợp lý khi nhân sự ngân hàng biến động không ngừng, vào thì nhiều, ra cũng tấp nập. Thế nhưng, VIB lại tỏ ra rất tự tin và “chơi trội” hơn khi thông qua phương án quyết thưởng cổ phiếu cho người lao động không bị hạn chế giao dịch.

Theo kế hoạch, VIB phát hành gần 2 triệu cổ phiếu quỹ theo chương trình ESOP trị giá theo mệnh giá khoảng gần 20 tỷ đồng. Các đối tượng có cơ hội nhận được cổ phiếu thưởng đủ thâm niên 12 tháng trở lên và có đóng góp tốt cho ngân hàng.

Không chỉ nhân sự có chế độ đãi ngộ bậc nhất, VIB cũng là một trong 10 ngân hàng có nhân sự kiếm tiền giỏi nhất trong hệ thống. Theo tính toán của chúng tôi, năm 2017, trung bình mỗi một nhân viên VIB mang về 306 triệu đồng lợi nhuận trước thuế cho ngân hàng. Với mức này, VIB đứng thứ 6 trong số những ngân hàng có năng suất lao động cao nhất, đứng trước LienVietPostBank, TPBank, ACB, Sacombank, …

Và không chỉ nhân viên được ưu ái, cổ đông của VIB cũng thuộc hàng đáng ghen tị nhất trên thị trường khi là một trong các ngân hàng tư nhân dẫn đầu hệ thống về tỷ lệ chi trả cổ tức những năm gần đây. Trong khi đó nhiều ngân hàng làm ăn tốt và tăng trưởng theo đường thẳng đứng, ví dụ như Techcombank, thì 7 năm liên tiếp không chia cổ tức.

Năm nay, ngân hàng VIB trả cổ tức bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 36%, gồm chia cổ tức bằng tiền mặt 5%, chia cổ phiếu thưởng là 31%.

Trên thực tế, không chỉ năm nay mà những năm trước, VIB là nhà băng hiếm hoi đều đặn trả cổ tức cho cổ đông, bất kể khi thị trường khó khăn hay thuận lợi, đặc biệt là cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2017, ngân hàng đã chia cổ tức 5% bằng tiền mặt. Và trước đó năm 2016, trong khi cổ đông nhiều ngân hàng phải bức xúc vì không có cổ tức hoặc phải nhận cổ tức bằng cổ phiếu thì cổ đông VIB vẫn được ngân hàng chi 25%, trong đó 8,5% là tiền mặt, mức chi này thuộc hàng cao nhất trên thị trường lúc bấy giờ.

Tham vọng lợi nhuận 2.000 tỷ và lợi thế mảng bán lẻ

Không trả lương cao như Techcombank hay VPBank, cổ phiếu cũng rẻ hơn, nhưng VIB lại đang thể hiện đẳng cấp hơn - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của VIB từ 2014-2017 – Nguồn: BCTC hợp nhất ngân hàng

2017 là năm tăng trưởng mạnh mẽ và chất lượng nhất trong 5 năm qua của VIB, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chính thức vượt 1.000 tỷ, đạt 1.405 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016, đạt 187% kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Tổng tài sản đạt 123,2 nghìn tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch ĐHĐCĐ giao; tăng trưởng tín dụng đạt 26%; nợ xấu duy trì dưới 3%. Tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng năm 2017 của VIB đạt tới 78%, doanh số bán Bancassurance- tăng 45%.

Đặc biệt, ngân hàng bán lẻ, một trong những chiến lược trọng tâm của ngân hàng này đang có những bước tiến ấn tượng. Năm 2017, riêng khối ngân hàng bán lẻ đã tăng trưởng dư nợ bán lẻ ở mức 83%. Năm 2017, VIB đã mua lại chi nhánh của CBA, đây là chi nhánh không đóng góp nhiều vào mạng lưới tuy nhiên lại có vai trò quan trọng trong mảng bán lẻ với quy trình, công nghệ, sản phẩm, cách tiếp cận khách hàng ưu việt.

Năm 2018, VIB lên mục tiêu lãi 2.005 tỷ đồng trước thuế, tăng 43% so với năm 2017 và nằm trong số những ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng cao nhất. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, ông Hoàng Linh, Giám đốc Tài chính ngân hàng, chia sẻ rằng mức 2.005 tỷ là mức sàn và kỳ vọng sẽ còn đạt cao hơn.

Quý 1 năm nay, ngân hàng cho biết lợi nhuận trước thuế đạt được hơn 518 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái, và hoàn thành 26% kế hoạch năm dù đây thông thường là quý có tăng trưởng thấp nhất. Tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động tiền gửi khá cao so với mặt bằng chung toàn hệ thống, lần lượt đạt 5,5% và 8,5%. Lãnh đạo ngân hàng cho biết chi phí trên doanh thu CIR cải thiện dần qua từng năm, quý 1 năm nay ở mức 52%; dự kiến chỉ số này sẽ giảm xuống 51% hoặc 50% trong năm nay. Có thể thấy, VIB đang rất tự tin với những mục tiêu đặt ra.

Hải Vân

Theo Nhịp sống kinh tế

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…