Không mở được tờ khai hải quan trong tháng 4, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cầu cứu Chính phủ
Xoay quanh hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 tại Quyết định số 1106/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Long An, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang… đã lên tiếng phản ánh những bất cập cũng như dấu hiệu cạnh tranh chưa lành mạnh trong giao dịch thương mạị liên quan tới hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo này.
Cụ thể ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Tp. Cần Thơ) cho biết vào lúc 14 giờ 46 phút, thứ 7, ngày 11/4/2020, Công ty Trung An nhận được Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 và Công văn số 0361/XNK-NS ngày 10/4/2020 để thực hiện theo công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ. Ngay sau đó Công ty đã túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3 (Công ty cho nhân viên trực khai hải quan đến 21 giờ đêm ngày 11/4) nhưng hệ thống phần mềm Hải quan điện tử không mở. Công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo của Hải quan. “Chúng tôi đã lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được thông báo thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở Trung tâm… Chính vì vậy, ngày 13/4 chúng tôi đã có Đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp (lần 1) gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương. Đến chiều ngày 14/4 chúng tôi tiếp tục gửi Đơn đề nghị xem xét khẩn cấp (lần 2), đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, UBND các tỉnh ĐBSCL…xem xét, giải quyết gấp vấn đề khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4, để không phát sinh thêm thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp và toàn xã hội” – ông Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An) cho biết doanh nghiệp đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành để cầu cứu trước nguy cơ phá sản do không được xuất khẩu nếp vì không đăng ký được tờ khai nào trong hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4. Hiện Dương Vũ đang vay ngân hàng hơn 300 tỉ đồng, 400 công nhân không có việc làm, gần 500 container của Công ty (khoảng 12.500 tấn gạo nếp, trị giá 8 triệu USD) đang nằm tại cảng nhưng lại không thể mở luồng khai hải quan để xuất đi cũng không thể nào tiêu thụ tại thị trường nội địa. “Rõ ràng không có sự minh bạch trong thông tin của Hải quan. Nếu như trước đây hệ thống đăng ký tờ khai hải quan trực tuyến (VNACCS/VCIS) của Tổng cục Hải quan vẫn vận hành bình thường sẽ không có gì để nói. Đằng này sau thời gian ngưng cấp tờ khai (để thực hiện rà soát về an ninh lương thực) thì ngành này không hề có bất kỳ thông báo nào cho doanh nghiệp về ngày, giờ mở lại để doanh nghiệp biết rõ rồi thực hiện thủ tục đăng ký” – ông Hòa phân tích
Ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết mặc dù là địa phương xuất khẩu gạo lớn thứ 3 cả nước nhưng đợt này Long An chỉ có 7/24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo mở được tờ khai hải quan với khoảng 8.500 tấn – một con số quá quá ít ỏi so với lượng gạo đang tồn tại cảng của hàng chục doanh nghiệp trong tỉnh chưa được xuất đi. “Hiện số lượng gạo xuất khẩu đã khai chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng hợp đồng dự tính sẽ xuất trong tháng 4. Đặc biệt các doanh nghiệp đã đóng xong hàng hóa tại cảng nhưng vẫn không khai báo hải quan được do không biết thời gian mở cho khai hải quan. Các doanh nghiệp lo ngại thời gian khai hải quan trên là chưa công bằng giữa các doanh nghiệp. Vì vậy Sở Công Thương tỉnh Long An kiến nghị Bộ Công Thương trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính về công khai minh bạch thời gian khai hải quan, có văn bản triển khai thực hiện cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện” – ông Đức kiến nghị.
Đồng cảnh ngộ với Long An, tỉnh An Giang cũng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp kịp mở tờ khai xin xuất khẩu với số lượng ít ỏi 1.500 tấn. Ngay cả Công ty Lương thực Tấn Vương – doanh nghiệp nằm trong Top 20 đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu cả nước cũng không có cơ hội xuất đi tấn gạo nào trong đợt này. Ông Phan Lợi – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết địa phương này sẽ họp với các doanh nghiệp để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong tỉnh.
Cùng với Long An, An Giang, nhiều địa phương tại khu vực ĐBSCL (Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng…) cũng gặp tình trạng tương tự khi không thể mở tờ khai xuất khẩu trong tháng 4. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết khi Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo, họ rất vui mừng vì nghĩ sẽ giải quyết được phần nào lượng gạo xuất khẩu với giá cao; ngờ đâu lại gặp trở ngại trong việc đăng ký tờ khai hải quan.
Được biết sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại với số lượng 400.000 tấn, đến chiều ngày 13/4/2020, các doanh nghiệp đã mở tờ khai xuất khẩu đủ 400.000 tấn theo số lượng hạn ngạch. Suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện khai báo hoàn toàn tự động trên hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan.
Theo BizC.vn