Không chỉ tăng lương, các ngân hàng còn đua phát hành cổ phiếu ESOP để giữ chân nhân tài
Không chỉ nâng lương nhân viên đều đặn hàng năm, các ngân hàng đang ngày càng quan tâm hơn tới việc tăng đãi ngộ, giữ chân nhân tài bằng việc phát hành cổ phiếu cho nhân viên với giá ưu đãi.
ESOP (phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động) được hiểu nôm na là việc các doanh nghiệp bán cổ phiếu cho các nhân viên xuất sắc, người lao động theo các tiêu chí được chọn với giá ưu đãi- thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường. Ưu điểm của ESOP không chỉ là chiến lược để giữ chân nhân sự giỏi mà còn có thể thông qua đó tăng vốn cho ngân hàng.
Giá cổ phiếu ngân hàng suốt năm 2017 và các tháng đầu năm 2018 tăng khá mạnh và trở lại vị thế “cổ phiếu vua”. Nhiều dự báo của các chuyên gia, công ty chứng khoán cho rằng cổ phiếu nhóm ngành này sẽ tiếp tục thăng hoa trong thời gian đó. Bởi vậy, việc sở hữu thêm cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu từ cổ tức, cổ phiếu thưởng và cổ phiếu ESOP sẽ là niềm mong đợi của không ít người.
Techcombank là ngân hàng tiên phong trong kế hoạch phát hành ESOP năm nay. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ hồi đầu tháng 3, cổ đông ngân hàng đã thông qua chương trình lựa chọn phát hành, bán cổ phần cho người lao động. Nguồn phát hành được lấy từ nguồn cổ phiếu quỹ với khoảng hơn 17 triệu cổ phiếu.
Tất nhiên ngân hàng cũng quy định điều kiện được mua cổ phiếu ưu đãi, đó là người lao động phải có ít nhất 1 năm làm việc tại ngân hàng này. Ngoài ra còn có các tiêu chí khác như cán bộ N-1 và đạt A1 cho năm liền kề trước; là cán bộ nhân viên Talent Pool Ban 7 trở lên và đạt A2; là cán bộ nhân viên có thành tích cao Band7 cho năm liền kề trước….Giá mua cổ phiếu là 10.000 đồng, trong khi trên thị trường OTC cổ phiếu này đã tới 100.000 đồng.
Năm 2016, Techcombank cũng từng thông qua chương trình phát hành ESOP song chỉ đạt sự tán thành của các cổ đông đại diện cho 78,75% cổ phiếu có quyền biểu quyết có mặt tại Đại hội. Năm nay, tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối với 99,86%, khá dễ hiểu khi Techcombank năm vừa rồi ăn nên làm ra, nhân viên ngân hàng cũng có năng suất lao động bình quân trong nhóm dẫn đầu.
Một ngân hàng khác là VPBank cũng đang trình ĐHĐCĐ kế hoạch phát hành 33 triệu cổ phần cho cán bộ nhân viên ngân hàng theo chương trình ESOP trong quý II năm nay. Giá phát hành bằng mệnh giá, thấp hơn nhiều so với mức giá trên sàn chứng khoán thời gian gần đây (62.000-64.000 đồng/ cổ phiếu).
VIB cũng là cái tên ngân hàng đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Trong kế hoạch trình lên cổ đông tại đại hội vào ngày 29/3 sắp tới, VIB dự kiến sẽ sử dụng 1.975.500 cổ phiếu quỹ thưởng cho cán bộ nhân viên ngân hàng. Năm ngoái, ĐHĐCĐ ngân hàng này cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên 0,4% trên vốn điều lệ, tương đương gần 23 tỷ đồng.
Hay như HDBank cũng được cổ đông đồng thuận cho phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP. Các cán bộ được lựa chọn nhận cổ phiếu dựa trên sự cống hiến, thâm niên và chức vụ. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm. Tuy nhiên đến nay HDBank vẫn chưa phát hành số cổ phiếu trên, ngân hàng cho biết thời gian thực hiện chậm nhất là quý I/2018.
Trên thực tế việc phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động ở các ngân hàng đã được nhiều nhà băng áp dụng trước đó, chẳng hạn như ở LienVietPostBank, ACB hay MB. Theo đánh giá của các chuyên gia, đó là chính sách rất tốt để vừa giúp ngân hàng có thêm vốn, lại vừa để giữ chân nhân tài, tuy nhiên phương pháp này chỉ thực sự hữu ích với người sở hữu cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu cao, thanh khoản tốt và hoạt động kinh doanh ngân hàng ổn định, giống như ở thời điểm hiện nay.
Hải Vân
Theo Trí thức trẻ