Khốc liệt "chiến trường" thương mại điện tử: Tiki, Shopee lỗ vài trăm tỷ chưa là gì so với mức lỗ nghìn tỷ đồng mỗi năm của Lazada
Không ngại việc lỗ lớn, các trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam liên tục được các nhà đầu tư “bơm” thêm tiền để tiếp tục giành giật thị phần.
Sau một thời gian đầu tư quyết liệt, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã dần định hình được một số tay chơi lớn như Adayroi, Lazada,Tiki, Shopee hay Sendo. Các doanh nghiệp này đều được chống lưng bởi những nhàđầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc những tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài.
Sức hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã được phân tích và mổ xẻ từ lâu nhưng đây là cuộc chơi cực kỳ khốc liệt. Ngành thương mại điện tử vẫn thường được ví von là “cuộc đua nướng tiền” của đại gia khi mà biên lợi nhuận vô cùng thấp trong khi các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng… đều rất lớn.
Vấn đề mấu chốt của các trang thương mại điện tử còn trụ lại gần như chỉ xoay quanh vấn đề tiềm lực tài chính khi mà các doanh nghiệp này đều đang lỗ rất lớn và sẽ tiếp tục lỗ thêm rất nhiều nữa để duy trì vị trí của mình bằng không sẽ phải chấp nhận tay trắng rời cuộc chơi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến cuối năm 2017, Tiki đã có lỗ lũy kế khoảng 600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với với gần 400 tỷ đồng mà VNG rót vào doanh nghiệp này đầu năm 2016 đã được tiêu hết.
Tuy nhiên, đầu năm 2018, Tiki tiếp tục được Tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ 2 của Trung Quốc là JD.com cùng một số nhà đầu tư khác rót thêm khoảng 50 triệu USD. Theo DealStreetAsia, Tiki có kế hoạch thực hiện một vòng huy động mới trong năm 2019 với quy mô từ 50-100 triệu USD và JD.com sẽ tiếp tục tham gia.
Việc JD.com đầu tư mạnh vào Tiki có thể xem như là động thái để chạy đua với Alibaba tại thị trường Việt Nam sau khi Alibaba mua lại Lazada từ vài năm trước.
Lazada đang thể hiện là tay chơi chịu chi nhất trên thị trường,thể hiện qua việc lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Với việc các đối thủ đang cạnh tranh quyết liệt, không loại trừ khả năng mức lỗ năm 2017 của Lazada đã vượt lên trên con số 1.000 tỷ đồng – khi đó lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 có thể lên gần 4.000 tỷ đồng.
Gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam chưa đầy 2 năm, Shopee đang chi rất mạnh để thu hẹp khoảng cách. Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, mức lỗ tăng lên hơn 600 tỷ đồng – tức gấp đôi so với mức lỗ của Tiki.
Nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi tại thị trường ViệtNam, Shopee được công ty mẹ là Tập đoàn SEA của Singapore bơm vốn rất mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SEA đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng (~50 triệu USD) vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam.
Không chỉ thương mại điện tử, SEA – tên cũ là Garena – đang đầu tư mạnh vào rất nhiều lĩnh vực tiềm năng khác tại thị trường Việt Nam như thanh toán điện tử (AirPay, VNPAY), game online (Vietnam Esports), giao đồ ăn (Foody/Delivery Now)…
Trang thương mại điện tử Sendo của Tập đoàn FPT huy động được hơn 400 tỷ đồng trong 2 năm 2015-2016. Tuy vậy, kế hoạch chi tiêu của Sendo có phần “dè dặt” so với các đại gia khác với mức lỗ chỉ 60 tỷ đồng trong năm 2015 và 136 tỷ đồng trong năm 2016.
Bên cạnh cổ đông chính là FPT, Sendo còn có các nhà đầu tưkhác gồm SBI Holdings, Econtext Asia, Beenos Asia…
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]