Khẩu trang vải kháng khuẩn và các khuyến nghị cho người tiêu dùng
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ khẩu trang vải kháng khuẩn lên cao. Lợi dụng cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã tung các sản phẩm khẩu trang không đảm bảo vệ sinh ra thị trường dưới mác hàng khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe cộng đồng. Để phòng tránh Covid-19 hiệu quả, yêu cầu lúc này là người dân phải thật sáng suốt để có thể lựa chọn cho mình sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn “đúng chuẩn”, đảm bảo các tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đưa ra.
“Đúng chuẩn” theo quy định của Bộ Y tế
Ngày 12/3/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 870/QĐ-BYT về việc hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn. Theo Quyết định này, khẩu trang vải kháng khuẩn phải đạt được 3 yêu cầu chính: ngăn được những giọt bắn của người ho, người nói chuyện khi tiếp xúc gần; ngăn được virus, vi khuẩn với tính chất là lọc bụi mịn và vi lọc; lớp bên trong sẽ kháng được khuẩn, kháng được virus qua nhiều lần giặt. Theo đó, cấu trúc yêu cầu đối với khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn phải có tối thiểu 3 lớp: Lớp ngoài cùng là lớp có tính kháng nước, kháng giọt bắn đường hô hấp hoặc kết hợp kháng khuẩn; Các lớp còn lại là lớp lọc, kháng khuẩn (lớp kháng khuẩn là vải kháng khuẩn, nano bạc, than hoạt tính hoặc tương đương). Yêu cầu đối với vật liệu: lớp ngoài cùng có bề mặt nhẵn, có độ thoáng khí, kháng nước và có khả năng kháng các giọt bắn đường hô hấp; lớp kháng khuẩn có tác dụng diệt khuẩn; lớp lọc có độ thoáng khí và cản bụi tốt; dây đeo: dùng loại vật liệu có khả năng đàn hồi tốt giúp cho việc đeo, tháo khẩu trang dễ dàng.
Ngoài ra quy định chung về yêu cầu kỹ thuật đối với khẩu trang vải kháng giọt bắn đường hô hấp, kháng khuẩn gồm: Không được gây dị ứng da cho người đeo; Bề mặt phải sạch sẽ, không còn đầu chỉ xơ vải và không có lỗi ngoại quan; Dây đeo được kết cấu chắc chắn; Kiểu dáng, kích thước phải đảm bảo che kín mũi và miệng, các mép khẩu trang phải ôm khít khuôn mặt người đeo, không tạo khe hở.
Khẩu trang kháng khuẩn qua định nghĩa của các chuyên gia
Lợi dụng lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ khẩu trang kháng khuẩn tăng đột biến, nhiều doanh nghiệp đã tung các sản phẩm khẩu trang không đảm bảo vệ sinh ra thị trường dưới mác hàng khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe cộng đồng. Thậm chí có những loại khẩu trang vải chỉ được may bằng hai lớp vải thun nhưng vẫn quảng cáo là “khẩu trang kháng khuẩn”. Theo các chuyên gia, loại khẩu trang này chưa thể ngăn khuẩn nên không thể kháng khuẩn như quảng cáo.
TS Vật lý Nguyễn Văn Khải – Trung tâm Dung dịch hoạt hóa, điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho biết người tiêu dùng sẽ rất khó nhận biết những chiếc khẩu trang thường với những khẩu trang được cho là có khả năng kháng khuẩn nếu chỉ nhìn bằng mắt thường.
Công nghệ kháng khuẩn đòi hỏi quy trình sản xuất và vật liệu rất phức tạp, có giá thành cao. Trong sản xuất và thương mại dệt may, vải kháng khuẩn được sử dụng rộng rãi để sản xuất mặt hàng mặc lót, hàng thể thao, hàng gia dụng và quần áo bảo vệ ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, khách sạn, trường học, quần áo sử dụng cho bác sĩ, nhân viên y tế và cho bệnh nhân, các trang bị như băng vết thương.
Phương pháp chung nhất để có được sản phẩm dệt kháng khuẩn là đưa các chất kháng khuẩn và giữ chúng bền lên (hoặc vào trong) vật liệu dệt trong suốt quá trình sử dụng. Các chất kháng khuẩn được đưa lên vải thường là những chất diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển. Hiện tại, các chất sử dụng trong sản xuất vải kháng khuẩn chủ yếu là chất diệt khuẩn.
Còn theo TS Nguyễn Văn Thông, nếu sản xuất đúng quy trình, tất cả các chất kháng khuẩn sử dụng trong dệt may đều thân thiện và không có hại với sức khỏe. Tuy nhiên cần có tiêu chuẩn chung để các cơ quản quản lý kiểm soát chất lượng. Với người dùng, cần lưu ý khi sử dụng khẩu trang kháng khuẩn là tính năng kháng khuẩn sẽ giảm dần sau mỗi lần giặt. Sau khoảng 10 lần giặt trở lên thì khẩu trang kháng khuẩn không còn tính năng kháng khuẩn nữa mà chỉ như khẩu trang vải thông thường.
Không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt hành chính, phạt tù
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 16/3/2020 toàn dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…
Theo Luật sư Lại Xuân Cường – Văn phòng Luật sư Quốc Thái (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội), yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi công cộng là chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong tình trạng dịch bệnh khẩn cấp để người dân tự bảo vệ bản thân. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đối chiếu quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người không đeo khẩu trang nơi công cộng có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 của Luật này. Cụ thể, điều khoản này nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo Luật sư Cường, tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, Điều 11 của Nghị định này quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Ngoài ra, nếu người bị dịch bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan vi rút Covid-19 cho người khác còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, trường hợp vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế và/hoặc làm chết người, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 10 năm. Trường hợp vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 2 người trở lên, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 12 năm.
Theo BizC.vn