‘Khách hàng số’ của ngân hàng, ví điện tử tăng vọt

Covid-19 và thí điểm áp dụng định danh điện tử (eKYC) đã giúp các ngân hàng, trung gian thanh toán gia tăng lượng người dùng.

Báo cáo 9 tháng của VPBank cho biết, số lượng khách hàng số (digital user) tại ngân hàng mẹ đã đạt gần 1,7 triệu vào cuối quý III, tương đương tăng 33% so với cuối 2019. Một trong những động lực đến từ định danh điện tử (eKYC) mà ngân hàng này triển khai từ hồi tháng 7.

Trước đó, các ngân hàng tham gia thí điểm eKYC cũng cho biết kết quả khả quan trong tháng đầu triển khai. Sau một tháng triển khai, đến tháng 9, HDBank có 35.000 khách hàng mới đăng ký trên ứng dụng và 15.000 tài khoản đã xác thực thông tin trực tuyến.

Cùng thời gian này, TPBank ghi nhận đã xử lí thành công cho gần 30.000 lượt đăng kí mới thông qua phương thức mở tài khoản trực tuyến và định danh khách hàng điện tử.

Đánh giá về sự đón nhận tốt đối với eKYC, Payoo – một trung gian thanh toán lớn tại Việt Nam lý giải rằng hình thức này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian xử lý, giảm sai sót chủ quan do con người, giảm chi phí nhân sự… Về phía người dùng, eKYC giúp họ tiết kiệm thời gian và được trải nghiệm tốt hơn những tiện ích mà quá trình này mang lại.

“Trước đây việc định danh người dùng có thể mất đến 24 giờ nếu nhân sự xử lý thủ công. Tuy nhiên, hiện nay công tác này có thể được xử lý tức thời nhờ giải pháp eKYC ứng dụng công nghệ AI”, Đại diện Payoo, đánh giá.

Không chỉ nhờ eKYC, Covid-19 cũng là động lực thúc đẩy lượng “khách hàng số” của các ngân hàng, và cả ví điện tử. Đến tháng 9/2020, Ví Việt – nền tảng ngân hàng số của LienVietPostBank có 3 triệu người dùng và 50.000 đại lý.

“Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng. Trong một thời gian rất ngắn, chúng ta đi được bước tiến dài so với trước”, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank, nhận xét.

Ông Nguyễn An Nguyên, Nhà sáng lập và CEO Trusting Social, nhà dịch vụ hạ tầng giải pháp tài chính và hiện cung cấp giải pháp eKYC cho 50% ngân hàng ở Việt Nam, đánh giá lĩnh vực ngân hàng số (Digital Banking) 9 tháng qua phát triển “mãnh liệt”.

“Chúng tôi mất 6 năm để hợp tác được khoảng 50% ngân hàng bán lẻ và công ty tài chính nhưng chỉ trong vài tháng nay, chúng tôi đã có thêm sự hợp tác của 50% khách hàng”, ông Nguyên nói.

Các ví điện tử cũng nhộn nhịp đón thêm người dùng mới. Tháng trước, MoMo cán mốc 20 triệu người dùng, gấp đôi con số 10 triệu của năm 2019. Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch MoMo cho biết, đại dịch giúp họ có thêm 10 triệu khách hàng trong thời gian ngắn, lượng người dùng mà trước đó mất 9 năm để có được.

Hay như SmartPay, một ví điện tử chỉ mới “chào sân” hồi tháng 5/2019 cũng đã sở hữu được 1,5 triệu người dùng cá nhân và 300.000 tiểu thương, theo số liệu công bố vào tháng trước.

Để tận dụng lợi thế của nhau trong việc thu hút và phát triển “khách hàng số”, ngân hàng và ví điện tử có xu hướng bắt tay hơn đối đầu. LienVietPostBank đã hợp tác với một ví điện tử để triển khai dịch vụ nhận kiều hối; CIMB cho phép đăng ký mở tài khoản trên một ví điện tử, Bản Việt cũng cho phép người dùng một ví điện tử đăng kí mở tài khoản tiết kiệm trên ứng dụng ví đó.

“Tôi nghĩ mỗi bên đều có thế mạnh riêng, tại sao lại không tận dụng lẫn nhau. Đây là một đại dương xanh, mỗi bên đều có phân khúc của mình, nếu kết hợp với nhau thì rất tốt và tối đa hóa tiềm năng”, ông Huỳnh Ngọc Huy, nhận định.

Ông Nguyễn Bá Diệp nói MoMo có một năm tăng trưởng vượt dự đoán. Theo ông, Covid-19 mang lại cho công ty nhiều lợi ích hơn là nguy cơ. Trong đó, các ngân hàng cũng trở nên “thân thiện” hơn. “Ngày xưa, chúng tôi đến từng nơi thuyết phục họ. Giờ thì ngược lại, họ thuyết phục chúng tôi làm nhanh hơn”, ông nói.

Ông Marek E. Forysiak, Chủ tịch SmartPay, không cho rằng có sự cạnh tranh hay cản trở về công nghệ đối với bộ 3 ví điện tử, Mobile Banking và cả Mobile Money (tiền di động). Ông nói vấn đề chỉ nằm ở hành vi của người dùng.

Theo ông, khoảng 90% thói quen giao dịch của người Việt là dùng tiền mặt nên đây là một thị trường rất lớn cho cả 2 loại hình dịch vụ thanh toán phi tiền mặt kể trên.

“Chúng ta cần tất cả những hình thức đó để chuyển hóa từ giao dịch tiền mặt sang phi tiền mặt. Càng có nhiều giải pháp thì càng có cơ hội gia tăng giao dịch phi tiền mặt. Vấn đề tôi quan tâm là cơ quan quản lý cần gỡ bỏ hơn nữa các rào cản của quá trình chuyển hóa sang phi tiền mặt”, ông Marek E. Forysiak, chia sẻ.

Theo Vnexpress

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *