Kết nối cung – cầu hàng hóa: Nâng tầm giá trị cho hàng Việt

Sau 9 năm thực hiện, Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành đã hình thành chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu hiệu quả, đồng thời thời tạo động lực để nâng tầm giá trị cho hàng Việt vươn xa.

Công ty TNHH Ba Huân là DN thực hiện được nhiều hợp đồng đầu tư từ Chương trình kết nối cung – cầu

Hợp tác để nâng tầm giá trị cho hàng Việt

Trước tình trạng hàng hóa của các địa phương sản xuất ra khó tiêu thụ, mặc dù rất nhiều mặt hàng thiết yếu do doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hợp tác xã, nông dân sản xuất ra với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, đủ sức đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, tuy vậy, sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng luôn là những cung đường trắc trở, nguyên nhân do người sản xuất với người kinh doanh hàng hóa không cùng hội, khiến cho dòng chảy hàng hóa luôn bị tắc nghẽn.

Để khơi thông dòng chảy cho hàng hóa, từ sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND TP. Hồ Chí Minh, năm 2012, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh triển khải thực hiện Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành. Sau 9 năm thực hiện, chương trình đã tạo “đầu ra” vững chắc cho hàng chục nghìn tấn hàng hóa ra thì trường mỗi năm, đồng thời trực tiếp nâng cao giá thị cho hàng Việt thông qua việc đầu tư vào sản xuất, cung ứng vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi, đặt hàng bao tiêu sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, qua 9 lần thực hiện, Chương trình kết nối cung – cầu của TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành ngày càng được mở rộng, nhiều loại hàng hóa với mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt đã được đưa vào chương trình; số lượng DN, địa phương tham gia ngày càng tăng, lượng hợp đồng ký kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ngày càng nhiều.

Cụ thể, năm 2012, lần đầu tổ chức chương trình, chỉ mới có vài chục DN tham gia với 43 hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký. Nhưng đến năm 2019, chương trình đã thu hút 45 địa phương tham gia, trong đó có 6/6 tỉnh thành Đông Nam bộ; 13/13 tỉnh thành Tây Nam bộ; 17/19 tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên, 9/25 tỉnh phía Bắc. Tổng số DN tham gia lần này là 2.341 đơn vị, gồm 1.458 DN cung ứng, 883 DN thu mua; 42 DN phân phối hiện đại; 100 DN đầu mối xuất khẩu; 140 nhà hàng đạt chuẩn du lịch; 120 khách sạn chuẩn 3 sao trở lên; 167 DN suất ăn công nghiệp và 314 bếp ăn tập thể với trên 500 suất ăn/ngày.

Tháng 9/2020, Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa lần thứ 9 được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bủa vây. Tuy vậy, chương trình vẫn có hơn 1.000 DN đến từ 41 tỉnh thành tham gia và trưng bày gần 2.000 mặt hàng và có gần 600 hợp đồng đã được ký kết.

Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính từ đầu chương trình đến nay, đã có hơn 3.200 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết, giá trị thực hiện bình quân đạt khoảng 4.500 tỷ đồng/năm. Riêng về đầu tư, đã 28 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP. Hồ Chí Minh đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh thành với vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Các DN này còn chi khoảng 3.200 tỷ đồng/năm cho hoạt động liên kết, ứng vốn giúp nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm…

Động lực để hàng Việt khẳng định thương hiệu

Đánh giá về Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành, ông Dương Minh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh – khẳng định, Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa thực hiện trong nhiều năm qua đã tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện và đồng bộ, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Mặt khác, chương trình kết nối cung – cầu còn là giải pháp thiết thực để triển khai hiệu quả chương trình hợp tác, khẳng định thương hiệu cho hàng Việt, tạo được sức lan toả lớn đến các địa phương trong hoạt động của ngành công thương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải là người luôn đánh giá cao Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vì tầm ảnh hưởng và sức lan rộng trong hoạt động của ngành công thương rất lớn trong thời gian qua. Theo Thứ trưởng, Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa do TP. Hồ Chí Minh khởi xướng và thực hiện không chỉ là kênh kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu để phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân mà còn góp phần bình ổn thị trường, chống lạm phát, mở ra nhiều cơ hội cho các thành phần kinh tế hợp tác kinh doanh.

Để Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa đạt hiệu quả, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong mối liên kết cung cầu hàng hóa, các DN cần tăng cường công tác mở rộng thị trường trong nước, đầu tư để xây dựng thương hiệu cho hàng Việt và mở rộng xuất khẩu. Mặt khác, chương trình cần phát triển đa dạng loại hình DN, tổ chức kết nối mạnh mẽ trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, không ngừng đổi mới hình thức kinh doanh đồng thời kết hợp với chương trình bình ổn thị trường, xây dựng nông thôn mới, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tạo thêm sức mạnh cho hàng Việt ngày càng lan tỏa.

Công ty TNHH Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt là một trong những DN của TP. Hồ Chí Minh tham gia Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa và thực hiện được nhiều hợp đồng, sản xuât, bao tiêu sản phẩm

Sau các lần tổ chức, Chương trình kết nối cung – cầu ngày càng chuyên sâu và hoạt động chuyên nghiệp hơn. Các nhà cung ứng, nhà phân phối tiếp xúc trực tiếp, trao đổi những vấn đề cụ thể về sản phẩm, số lượng hàng, hình thức thu mua, chế biến, bao tiêu… Trong khuôn khổ hợp tác, các địa phương đã chủ động triển khai tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng địa phương để liên kết, sản xuất hàng hóa đạt chất lượng, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, mở rộng sản xuất trong nước và có tiềm năng xuất khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, các chuyên gia và giới DN cho rằng, Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành đóng một vai trò quan trọng trong việc mở ra cơ hội để các DN giao lưu, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, liên kết phát triển thương hiệu, đầu tư sâu về chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hàng Việt và nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập với thế giới.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ, Chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa là điểm kết nối những mặt mạnh, ưu thế của DN, của các ngành hàng để thúc đẩy sản xuất và hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa theo quy mô lớn, chuyên nghiệp. Qua những lần tổ chức, nhiều điểm nghẽn trong khâu sản xuất, cung ứng, dự trữ, phân phối hàng hóa đã được khơi thông, giảm thiểu rủi ro và đương nhiên lợi ích mà các nhân tố tham gia trong chương trình đều được hưởng lợi.

Theo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…