JICA vẫn lo ngại chuyện Metro Sài Gòn thiếu vốn
Cơ quan này nhận định việc chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Trong buổi họp báo thường niên sáng nay, ông Konaka Tetsuo – Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam nhắc lại việc chậm vốn tại Dự án đường sắt đô thị TP HCM – Tuyến số 1 (Metro số 1) và một số dự án khác do Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ quản.
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho Metro số 1 vẫn chưa được Quốc hội phê duyệt. Bên cạnh đó, dù TP HCM đã nhiều lần ứng trước ngân sách để giải quyết phần nào việc chậm trễ thanh toán cho nhà thầu, đại diện JICA đánh giá đây chỉ là “biện pháp tạm thời”.
Một phần nguyên nhân của việc chậm trễ là nợ công được giới hạn tại 65% GDP, khiến Chính phủ ngần ngại giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài, trong đó có vốn cho Metro 1. Thứ hai là Luật ngân sách Nhà nước năm 2015, quy định mức trần vay tối đa trong một năm với các dự án ODA. Đến năm 2016, kế hoạch đầu tư công trung hạn được phê duyệt càng khiến việc kiểm soát nợ công càng được thắt chặt.
Ông Konaka Tetsuo – Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam. Ảnh: JICA |
“Chính phủ Nhật Bản vẫn đề nghị Việt Nam phân bổ thêm ngân sách cho một số dự án đang thiếu vốn”, ông Konaka Tetsuo cho biết. Ông cũng khẳng định nhờ nhiều cuộc đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam thời gian qua, việc phân bố ngân sách tài khoá 2018 đã có chuyển biến rõ rệt.
Ngoài chậm giải ngân, JICA còn lo ngại về quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án ODA. Đó là chậm nhận được phê duyệt từ các cơ quan Chính phủ và chậm giải phóng mặt bằng.
Cũng tại buổi họp báo, JICA cho biết trong tài khóa 2017 (tính đến hết tháng 3/2018), 3 hiệp định vốn vay ODA tại Việt Nam đã được ký kết mới với tổng 61,8 tỷ yen. Tổng giá trị vốn vay được giải ngân trong thời gian này là 105,4 tỷ yen. Còn giá trị ròng (trừ đi khoản Việt Nam đã trả nợ) là 53,9 tỷ yen. Trên thế giới, Ấn Độ và Việt Nam là hai nước nhận ODA lớn nhất của Nhật.
JICA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, tập trung vào ba mục tiêu – Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và Tăng cường quản trị nhà nước.
Đại diện JICA cũng chia sẻ quan điểm về dự thảo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân cũng có thể vay vốn ODA. Ông Konaka Tetsuo cho biết, Nhật có thể cho vay trên ba lĩnh vực – giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (thông qua hoàn thiện cơ sở hạ tầng), hỗ trợ các đối tượng nghèo và đối phó biến đổi khí hậu. Dù vậy, vì đối tượng cho vay là doanh nghiệp tư nhân, có thể phá sản, quy trình xét duyệt sẽ kỹ càng hơn.
Bên cạnh đó, dù không ràng buộc phải liên kết với doanh nghiệp Nhật hoặc dùng nguyên vật liệu, công nghệ của Nhật, họ có thể ưu tiên các công ty gắn kết với Nhật. JICA cũng có thể cùng các tổ chức khác, như Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để thực hiện việc này.
Hà Thu
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]