Hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất, hiệu quả nhất
Đó là mục tiêu hàng đầu của Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa được ký kết sáng ngày 7/5 tại trụ sở Bộ Công Thương
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công ThươngTrần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của VCCI thời gian qua khi đã thể hiện được vai trò là một tổ chức có uy tín, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh; đồng thời là cơ quan đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bằng cái tâm và uy tín, VCCI đã tập hợp trong tổ chức của mình một cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Ghi nhận những đánh giá hết sức tích cực của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đồng thời đề cao vị thế, tầm quan trọng của Bộ Công Thương trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Với vai trò là bộ quản lý đa ngành, có đóng góp xấp xỉ 70% cho tổng sản phẩm nền kinh tế quốc dân (GDP) và là thành viên của một Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ Công Thương đã tập trung, quyết liệt đẩy mạnh nhiều hoạt động thực chất phục vụ nền kinh tế, hướng đến quyền và lợi ích thiết thực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những bộ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính và tiên phong trong hội nhập, có tác động rất lớn tới hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Sau khi thực hiện nhiệm vụ cắt giảm theo điều kiện của Chính phủ là 50%, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh mặc dù mức độ đã đạt mức cao nhất. Đây thực sự là quá trình cải cách có bài bản, chủ động và trách nhiệm với sự phát triển của cộng đồng kinh tế.
Bên cạnh việc đề xuất với Chính phủ ban hành quy định tất cả vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương cũng đã rất nỗ lực trong việc mở cửa thị trường, đàm phán các FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới chất lượng cao, mở ra không gian thị trường rất lớn hỗ trợ cho sự bứt phá phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt trong quá trình cải cách thể chế và đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công Thương luôn hợp tác, tham vấn ý kiến, lắng nghe, tương tác với cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI, từ đó nắm bắt được hơi thở từ thực tiễn để hướng hoạt động của mình tới phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn.
Xoay quanh tiến trình hợp tác giữa hai bên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương đã và đang nhận được sự phối hợp, đồng hành chặt chẽ của VCCI. Đây là nền tảng quan trọng cho sự đồng thuận và lan tỏa kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là một kênh thông tin vô cùng quan trọng giúp các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương có cơ hội được trao đổi, đánh giá trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta đang bước vào một “trạng thái bình thường mới” với nhiều khó khăn và thách thức cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng Chương trình phối hợp hoạt động được ký kết giữa Bộ Công Thương và VCCI sẽ là tiền đề quan trọng cho những hoạt động thiết thực, hiệu quả phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng.
Theo đó Chương trình phối hợp toàn diện giữa Bộ Công Thương và VCCI bao trùm 3 trụ cột hành động chính gồm: hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Để cụ thể hóa các trụ cột này, Chương trình cũng đã chỉ rõ một loạt các hoạt động rất cụ thể trong các ngành lĩnh vực của ngành Công Thương như: công nghiệp, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, cạnh tranh, quản lý thị trường, năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó Chương trình cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện các hoạt động cũng như nêu rõ việc cụ thể hóa hơn nữa các hoạt động theo chương trình từng năm.
Trong thời gian qua, cùng với sự phối hợp của VCCI, Bộ Công Thương đã quyết liệt đẩy mạnh nhiều hoạt động thực chất phục vụ nền kinh tế phát triển, hướng đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp thông qua công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp; đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA); thực thi mạnh mẽ các cam kết bảo vệ lợi ích chính đáng của nền sản xuất, thương mại trong nước như quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng vệ chính đáng trong hoạt động thương mại quốc tế…
Dưới tác động của dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã khẩn trương và thường xuyên đánh giá tác động theo từng diễn biến của dịch bệnh, đồng thời rà soát tình hình triển khai công tác xúc tiến thương mại trên cả nước, thường xuyên trao đổi với VCCI, các hiệp hội, ngành hàng, trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. Bộ cũng đã phối hợp với VCCI hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp áp dụng các hình thức mới trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường thông qua các nền tảng số, trên môi trường Internet… như kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu; tuyên truyền quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và thế giới. Từ nền tảng những thành quả đạt được, trong thời gian tới Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI và các hiệp hội ngành hàng, địa phương nghiên cứu xây dựng một số đề án mang tính cấp bách, có thể triển khai ngay và có tính khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ để bổ sung vào Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2020.
Về phía VCCI, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc khẳng định thông qua Lễ ký kết này, chắc chắn sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với Bộ Công Thương thông qua VCCI sẽ thường xuyên hơn, hiệu quả hơn, có khuôn khổ và cơ chế hợp tác chuẩn mực hơn. VCCI mong muốn Bộ Công Thương sẽ hợp tác chặt chẽ với VCCI để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi, các dòng chảy thương mại, đầu tư trên thế giới đang đảo chiều, các chuỗi giá trị đang được nhìn lại, Bộ Công Thương phối hợp với VCCI thúc đẩy mạnh mẽ xúc tiến thương mại và đầu tư, tiếp cận, tham gia trực tiếp vào hoạt động tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.”Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng. Ngoài chuẩn bị tốt về tâm thế, nền tảng cơ sở hạ tầng, thể chế… để tận dụng các cơ hội phát triển đất nước, công tác xúc tiến thương mại, đầu tư cần chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn đa quốc gia, các trung tâm kinh tế lớn, tái cấu trúc lại các chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sứ mệnh quan trọng mà Bộ Công Thương cần đi đầu và phối hợp chặt chẽ với VCCI cũng như cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện” – ông Lộc nhấn mạnh.
Theo BizC.vn