Hoài nghi khả năng Nga – Trung lập liên minh quân sự
Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định ý tưởng về liên minh quân sự Moskva – Bắc Kinh của Putin “mang tính thiện chí” song “còn rất xa vời”.
Khi được hỏi về khả năng thành lập liên minh quân sự Nga – Trung tại sự kiện Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ngày 22/10, Tổng thống Vladimir Putin nói khả năng này là “hoàn toàn có thể” về mặt lý thuyết, dù hai nước hiện chưa cần tới một liên minh như vậy.
Putin cho biết quân đội Nga và Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ và “thời gian sẽ cho biết mọi việc tiến triển ra sao”. “Chúng tôi tới nay chưa đặt ra mục tiêu đó cho mình. Song về nguyên tắc, chúng tôi không loại trừ điều này, vì thế chúng ta hãy chờ xem”, Putin nói.
Giới chuyên gia Trung Quốc tỏ ra thận trọng trước phát biểu này của Putin, cho rằng việc Tổng thống Nga đề cập tới điều này là một dấu hiệu thiện chí, nhưng nhận định ý tưởng đó rất khó trở thành hiện thực, ngay cả khi Nga – Trung đang tăng cường hợp tác song phương trong bối cảnh quan hệ với Mỹ xấu đi.
Bình luận của Putin được đưa ra cùng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên, tuyên bố quân đội Trung Quốc quyết tâm đánh bại những kẻ xâm lược và “sẵn sàng chống mọi âm mưu chia cắt đất nước”.
Các chuyên gia nhận định ý tưởng được Putin nêu ra là dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết giữa hai nước giữa lúc cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra tại Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang tranh cãi về việc ai sẽ xử lý tốt nhất “những thách thức do Trung Quốc đặt ra”.
“Trung Quốc và Nga đều là mục tiêu bị chỉ trích trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Putin đang cố gắng chứng tỏ mối quan hệ giữa hai nước bền chặt ra sao”, chuyên gia Li Lifan thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết.
Chuyên gia Li nói việc thể hiện tình đoàn kết giữa Nga và Trung Quốc nhằm gửi thông điệp liên quan đến Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Hiệp ước này hạn chế số lượng đầu đạn trong kho vũ khí của Mỹ và Nga, song Washington đang tìm cách gây sức ép buộc Bắc Kinh tham gia.
Quan chức Nga và Mỹ tuần trước cho biết hai bên sắp ký thỏa thuận gia hạn trước khi New START hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Putin ngày 23/10 nói Nga không phản đối việc đưa Trung Quốc vào New START nhưng khẳng định không nên gây áp lực cho duy nhất nước này nếu Anh và Pháp, hai cường quốc hạt nhân khác, không tham gia hiệp ước.
Li Lifan cho rằng liên minh quân sự Nga – Trung rất xa vời bởi điều này đồng nghĩa hai bên có nghĩa vụ phải bảo vệ nhau nếu bị tấn công. “Điều này không cần thiết, tốt nhất là hiểu ngầm với nhau”, Li nói.
Chuyên gia cho biết Trung Quốc vẫn là thành viên của Phong trào Không liên kết, nhóm gồm 120 quốc gia không liên minh với bất cứ khối cường quốc nào. Trung Quốc coi đây là yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại độc lập của mình nhiều thập kỷ qua.
Mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác nhiều hơn với Nga nhằm mang lại lợi ích cho Trung Quốc, đặc biệt về các vấn đề quản trị toàn cầu, lĩnh vực hai nước có nhiều điểm chung, Li Lifan nhận định.
Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc hồi tháng 7 cho biết hai nước đang hợp tác “chống thông tin sai lệch” từ “một số quốc gia”. Ngoại trưởng Vương Nghị vào tháng 9 ca ngợi sự ủng hộ lẫn nhau trong ứng phó “các thế lực cực đoan ở Mỹ” khi gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.
Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết các quan chức Nga và cả Tổng thống Putin từng ngờ vực về Trung Quốc trong các cuộc gặp với quan chức Mỹ. Bob Woodward, phóng viên nổi tiếng của tờ Washington Post, trong cuối hồi ký “Cơn thịnh nộ” cho biết Putin từng gọi Trung Quốc là “đất nước mất kiểm soát nhất hành tinh” trong cuộc điện đàm với Trump hồi tháng 4.
Trong hồi ký của mình, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu từng nói Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) không còn khả thi do năng lực công nghệ của Trung Quốc tăng cao kể từ 1987.
Trung Quốc và Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ năm 1950. Tuy nhiên, quan hệ Xô – Trung vài năm sau xấu đi và hai nước thậm chí từng đứng bên bờ vực chiến tranh.
Quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh sau này được cải thiện và nồng ấm hơn dưới thời Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, Putin hồi tháng 12/2019 khẳng định Nga không có kế hoạch liên minh quân sự với Trung Quốc.
Thời Ân Hoằng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết tuyên bố của Putin có thể nhằm “tận dụng mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc”. “Căng thẳng Mỹ – Trung đang ở giai đoạn tồi tệ đến mức nguy cơ xảy ra xung đột. Khả năng Nga muốn thành đồng minh của Trung Quốc là rất thấp”, Shi Yinhong nói.
“Tuyên bố của ông Putin chủ yếu là dấu hiệu cho thấy Nga muốn trở thành bên trung lập quan trọng để buộc Mỹ hoặc Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ lớn cho họ”, ông Thời nói.
Về phần mình, Trung Quốc đưa ra phản ứng chính thức một cách thận trọng. “Không tồn tại giới hạn trong quan hệ hữu nghị truyền thống Nga – Trung hay đối với việc mở rộng hợp tác giữa chúng tôi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, cho rằng phát biểu của Putin “thể hiện mức độ cao và bản chất đặc biệt của mối quan hệ song phương giữa chúng tôi”.
Theo VNEXPRESS