Hiệp định EVFTA kỳ vọng tạo đà tăng trưởng cho xuất khẩu tôm sang EU

Năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm so với năm 2018. Tuy nhiên theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm năm 2020 sẽ khả quan hơn, nhất là xuất khẩu vào thị trường chủ lực EU nhờ thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu vào thị trường này giảm xuống 0% ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực.   

Chiếm tỷ trọng tới 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm, EU được ghi nhận là thị trường nhập tôm lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD, giảm 17,7% so với năm 2018. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực trong tháng 7/2020 kỳ vọng sẽ tạo đà cho con tôm Việt Nam sang thị trường này nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Cụ thể thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đồng thời thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với các  nước khác. Theo đó thuế nhập khẩu tôm sú vào thị trường EU được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA và bị mức thuế cơ bản 12%. Hay Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2% và Ecuador thuế cơ bản là 12%.

Theo phân tích của VASEP, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực EU khá cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, phân khúc thị trường cao cấp rộng, đủ dư địa các doanh nghiệp tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thuỷ sản vừa tầm cung ứng của mình. Hơn nữa năm 2020 cũng là năm diễn ra vòng chung kết Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu (UEFA Euro 2020) nên dự báo nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong khu vực, kể cả mặt hàng tôm sẽ gia tăng đáng kể, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu thủy sản vào thị trường tiềm năng này.

Tuy nhiên VASEP cũng lưu ý EU đã đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Theo đó kể từ ngày 31/3/2020, EU quy định Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Quy định mới này sẽ gây thêm áp lực về vấn đề ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc và có thể khiến cho giá thức ăn và giá thành sản xuất tăng lên. VASEP khuyến nghị trong thời gian tới các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam cần chú trọng đáp ứng quy định này để xuất khẩu vào EU không bị trở ngại.

Theo BizC.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *