Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cam kết hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt
Trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, AmCham bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến Ban Chỉ đạo chống dịch của Việt Nam vì đã thực hiện các biện pháp nghiêm túc và phù hợp để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19, AmCham Việt Nam đồng thời cảm kích các hành động kịp thời từ Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của virus.
“Tại Việt Nam cảm giác an toàn đang quay trở lại và đó là điều mà tất cả chúng tôi đều biết ơn. Ngài Thủ tướng đã nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong đại dịch là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mọi người. Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là bảo vệ các doanh nghiệp và ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế. Tất cả chúng ta đều hiểu các Chỉ thị hạn chế kinh doanh của Chính phủ là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus”, Amcham Việt Nam chia sẻ.
AmCham hoan nghênh sự mở cửa lại của các hoạt động kinh doanh và kinh tế nói chung. Tuy nhiên, theo đánh giá của AmCham, các gói hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế chỉ áp dụng cho các ngành công nghiệp trong danh sách mà được Chính phủ đánh giá là bị ảnh hưởng lớn như vận tải hành khách, lưu trú du lịch, nhà hàng và một số lĩnh vực khác. Vì thế, AmCham khuyến nghị nên bổ sung một số lĩnh vực kinh doanh khác chưa được đưa vào danh sách.
Điển hình, ngành công nghiệp chế biến đồ uống, thực phẩm chức năng có thể được đưa vào danh mục thực phẩm vì đây là ngành cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh và dẫn đến việc các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ giải trí đều bị đóng cửa và lượng khách du lịch giảm đáng kể, Doanh thu của các công ty đồ uống không cồn đã giảm mạnh trong vài tháng qua và tình trạng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong những tháng tiếp theo.
AmCham cho rằng, trong khi Việt Nam đã có thể khôi phục hầu hết các chuỗi cung ứng, thì nhu cầu trên thế giới đối với nhiều sản phẩm lại giảm- đặc biệt ở Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính như đồ nội thất, giày dép và may mặc đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể về mặt nhu cầu, một số ngành giảm đến 70%. Trong khi thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong quý đầu tiên của 2020 tăng. AmCham dự đoán số lượng lớn các đơn hàng và mức bán lẻ tại Hoa Kỳ sẽ giảm trong quý II và III năm 2020. Trong những tháng khó khăn này, nhiều doanh nghiệp vẫn muốn giữ nguyên lực lượng lao động để tăng trưởng trong tương lai và AmCham hy vọng Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này để có thể giữ lại nhân viên bằng cách cho phép giảm lương, hoặc giảm những khoản đóng góp và nghĩa vụ cho Chính phủ.
AmCham đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét tính hiệu quả của các gói hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn như việc hoãn nộp một số loại thuế và bảo hiểm sẽ có lợi cho một số doanh nghiệp và cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ sẽ giúp họ có thể tồn tại qua thời điểm khó khăn này.
AmCham cho biết cũng nhận được ý kiến từ các doanh nghiệp rằng một số doanh nghiệp không thể tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp theo gói hỗ trợ vay của Chính phủ. Lý do là các ngân hàng đã từ chối hồ sơ vay vì lo ngại về khả năng trả nợ của doanh nghiệp và cho rằng các doanh nghiệp này sẽ không thể phục hồi dòng tiền trong thời gian ngắn vì sự đình trệ của nhu cầu tiêu dùng. AmCham hy vọng những khó khăn trên sẽ được giải quyết trong thời gian tới.
Theo AmCham, virus Corona đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng chuỗi cung ứng toàn cầu cần đa dạng hơn và Việt Nam có thể được coi là điểm đến đầu tư tư mới hấp dẫn và tạo ra nhiều tăng trưởng việc làm hơn nữa. AmCham tin rằng những phản ứng hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong đại dịch Covid-19 sẽ củng cố vị thế của Việt Nam như là một thị trường hấp dẫn cho những hoạt động M&A trong tương lai.
Để tận dụng được những cơ hội này, AmCham thấy rằng việc tăng tốc và thúc đẩy sử dụng Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, công nghệ áp dụng trong ngành tài chính (fintech), điện toán đám mây hiện đại, và việc giảm thiểu sử dụng tiền mặt cho các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra việc tăng tốc thực hiện các mục tiêu của công nghệ 4.0 và ngành kinh tế số sẽ giảm đáng kể các chi phí thủ tục hành chính và thời gian cho các doanh nghiệp và sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới – những nhà đầu tư hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu và thuận tiện trong kinh doanh.
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy rằng những tổ chức công và tư đều cần cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại để nhanh chóng khắc phục mọi sự gián đoạn trong công việc. Nhiều tổ chức đã rất nhanh chóng ra mắt các nền tảng, ứng dụng mới để bảo đảm việc hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng, thậm chí việc làm việc và học tập từ xa, cũng như thử nghiệm những biện pháp dịch vụ công nghệ mới nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng và người dân. Điều quan trọng cho việc thay đổi nhanh chóng này là nhờ áp dụng các hạ tầng điện toán đám mây đã sẵn có trên toàn cầu.
Ngoài ra, các hạn chế đầu tư nước ngoài, khung pháp lý hạn chế của luật quản lý kinh doanh và các thủ tục hành chính nặng nề cần được xem xét cẩn thận và nới lỏng một cách có chọn lọc để khuyển khích đầu tư nước ngoài và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Một lĩnh vực đầy hứa hẹn khác có thể tăng tốc phục hồi kinh tế là việc phát triển cơ sở hạ tầng và phê duyệt các dự án đầu tư đã có thời gian chờ quá lâu. Đây cũng là cơ hội tập trung vào các dự án thân thiện với môi trường để cải thiện quản lý chất thải, tái chế và giải quyết các vấn đề về chất lượng không khí ở Việt Nam có thể được đẩy nhanh bằng cách sử dụng năng lượng sạch, phương tiện sạch, nông nghiệp sạch và giảm hiệu quả và lãng phí năng lượng. Điều này sẽ góp phần vào việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy tạo ra những cơ hội việc làm mới.
Nhằm tối đa hóa các lợi ích của các gói hỗ trợ, AmCham mong rằng các nhà lãnh đạo Chính phủ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ rõ ràng và toàn diện, và chính quyền tỉnh và địa phương cần thực hiện theo một cách nhất quán.
Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định luôn sát cánh với người dân Việt Nam và AmCham cam kết hợp tác với chính quyền Việt Nam để hỗ trợ cộng đồng và đảm bảo rằng các doanh nghiệp không bị gián đoạn nhiều trong cuộc khủng hoảng này và sẽ ngày càng nhiều cơ hội trong tương lai hơn. Các thành viên của AmCham đã thực hiện rất nhiều các chương trình tài trợ như khẩu trang, quần áo bảo hộ, thực phẩm, hỗ trợ tài chính và các chương trình tài trợ khác cho người dân Việt Nam trong dịch Covid-19 và rất vui vì đã hỗ trợ các tổ chức Việt Nam trên tuyến đầu. AmCham đánh giá cao nỗ lực Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc ngăn chặn phòng chống đại dịch Covid-19 và hy vọng về một tương lai tươi sáng và nền kinh tế sẽ phục hồi một cách an toàn nhất.
Lời cuối cùng, các thành viên của AmCham đã thực hiện rất nhiều các chương trình tài trợ như khẩu trang, quần áo bảo hộ, thực phẩm, hỗ trợ tài chính và các chương trình tài trợ khác cho người dân Việt Nam trong dịch Covid-19 và chúng tôi rất vui vì đã hỗ trợ các tổ chức Việt Nam trên tuyến đầu. Một lần nữa, AmCham đánh giá cao nỗ lực Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc ngăn chặn phòng chống đại dịch Covid-19 và hy vọng về một tương lai tươi sáng và nền kinh tế sẽ phục hồi một cách an toàn nhất.
Theo BizC.vn