Hấp dẫn chuyện lặn 6 tiếng dưới biển săn ốc khiêu vũ
Chuyện vượt gió nồm ra khơi lặn 6 tiếng dưới biển săn ốc khiêu vũ hấp dẫn, ly kỳ… Ngoài tên gọi rất “kêu”, ốc khiêu vũ còn có tên gọi khác là ốc nhảy
Tháng 4 âm lịch, mùa biển êm, nước biển xanh trong vắt có thể nhìn thấy mọi ngóc ngách dưới đáy biển, ngư dân ở xã bãi ngang ven biển Đức Minh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) vào mùa lặn săn ốc khiêu vũ.
Ngoài tên gọi rất “kêu” là ốc khiêu vũ, nó còn có tên gọi khác là ốc nhảy. Bởi, khác với những loại ốc khác di chuyển chậm chạp bằng cách bò, ốc nhảy có cách di chuyển độc đáo, dùng vảy chân của mình cắm xuống mặt cát búng mạnh nhảy rất nhanh như khiêu vũ.
Vào những ngày tháng 4 âm lịch, những làn gió nồm phả mát rượi lên từ biển, vùng biển Đức Minh rộn ràng bởi có nhiều thuyền nhỏ sau một buổi săn ốc nhảy cập bờ. Được mệnh danh là vua của các loài ốc vì thơm ngon đặc trưng, ốc nhảy mang lại thu nhập cao cho ngư dân.
Ngư dân phải ngụp lặn hàng giờ đồng hồ dưới biển để bắt ốc nhảy.
Theo ngư dân Nguyễn Quyền, ốc nhảy sống lẩn dưới cát biển nên để bắt được chúng cũng khá vất vả. Các ngư dân phải sắm máy nén khí, quần áo, ống hơi ngậm ở miệng, kính lặn. Hàng ngày, ngư dân ra vùng biển cách bờ 1 hải lý từ lúc 7 giờ sáng lặn sâu xuống biển từ 10 – 15m vợt bắt ốc.
Anh Quyền và các ngư dân vào mùa săn ốc nhảy được gần một tháng nay. Mùa săn ốc nhảy kéo dài khoảng 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Mỗi ngày, anh và các ngư dân lặn khoảng 6 giờ đồng hồ, xuất phát từ 7 giờ sáng đến 13 giờ chiều đưa thuyền vào bờ bán sản phẩm.
Ngư dân Võ Tú cho biết, để vợt được ốc nhảy, ngư dân đi trên mặt cát dưới biển và luôn ngậm một đầu dây dẫn khí được truyền hơi từ chiếc máy nổ đang chạy trên ghe. Khi thấy ốc nhảy búng mạnh nhảy lên, ngư dân dùng vợt xúc ốc cho vào sọt.
Chúng được gọi là ốc khiêu vũ hay ốc nhảy vì dùng vây chân nhảy rất nhanh.
Khi nào sọt đầy ốc, ngư dân lên ghe đổ ốc, nghỉ ngơi chốc lát rồi di chuyển tiếp tục công việc hoặc vào bờ bán ốc khi không tìm thấy ốc nữa. Họ lặn trong nước hàng giờ đồng hồ mới ngoi lên mặt nước thở khí trời.
Sau khi ghe cập bến, đã có thương lái chờ sẵn trên bờ mua sản phẩm đưa đi tiêu thụ. Bán xong, họ mới ăn vội cơm trưa do vợ con mang chờ sẵn trên bờ rồi lục tục về nhà.
Theo bà con ngư dân, ốc nhảy này là loài hải sản quý được ngư dân phát hiện và khai thác rộ từ 5 năm trước. Lúc ấy, ốc nhảy sinh sản dày đặc, một ngày một người khai thác ít nhất cũng được 50kg, ngày nhiều tới cả tạ ốc, giá từ 15.000 – 20.000 đồng.
Năm nay, ốc khan hiếm, số lượng giảm nhiều, giá mỗi ký ốc được thu mua tại bờ lên đến 90.000 – 100.000 đồng. Sau 5 giờ lặn bắt ốc nhảy, một ngư dân kiếm được từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Ốc được thu mua ngay tại bờ.
Có rất nhiều loại ốc nhảy như ốc nhảy trắng, ốc nhảy đỏ, ốc nhảy dài, ốc nhảy cày…,nhiều nhất là ốc nhảy trắng và ốc nhảy đỏ. Trong các loại ốc nhảy, ốc nhảy đỏ có mùi vị thơm ngon đặc trưng hơn cả.
Với ốc nhảy, có thể chế biến thành nhiều món ăn như xào sả ớt, hấp sả gừng, sốt sa tế… Nó là một món ăn được ưa thích bởi thịt của nó giòn, dai dai cộng với mùi thơm gia vị hòa lẫn, tạo nên cảm giác ngon khó tả.
Bà Lan, một thương lái chuyên thu mua các loại ốc của ngư dân tại bờ về bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu cho hay, những năm trước, loại ốc này được khai thác với số lượng lớn, mỗi ngày bà thu mua được cả tấn ốc chuyển ra tận Đà Nẵng tiêu thụ, nhưng càng về sau càng giảm dần nên chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Thời điểm ốc được nhiều, vì chưa có thị trường nên ngư dân bán sỉ. Hiện nay, ốc khan hiếm nên thương lái phải chầu chực mới mua được hàng.
[elementor-template id=”16904″]