Hàng loạt nhà hàng tên tuổi đóng cửa vì COVID-19, ngay cả công ty số 1 Golden Gate cũng đang xoay sở đi vay phục vụ hoạt động kinh doanh
Chịu ảnh hưởng của nhiều làn sóng COVID-19 nối tiếp nhau, chưa khi nào các chuỗi nhà hàng F&B trở nên mong manh như giai đoạn này.
Các chuỗi nhà hàng có tên tuổi đã phải thông báo đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh, như Tokyo Deli và Daruma theo phong cách Nhật Bản. Hay trong ngành đồ uống, Soya Garden cho thấy dấu hiệu hoạt động kinh doanh ngày càng teo tóp…
Việt Nam đã trải qua ba đợt hành động quyết liệt để ứng phó với sự bùng phát của đại dịch. Lần đầu tiên vào tháng 4/2020, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc, hoạt động kinh doanh nhà hàng vì thế mà trở nên tê liệt. Lần thứ hai, TP Đà Nẵng bị phong tỏa, đúng giai đoạn du lịch nội địa hồi phục trở lại mạnh mẽ. Lần gần nhất diễn ra cách đây không lâu, tâm dịch Hải Dương diễn biến phức tạp, kết hợp với nghỉ Tết Nguyên Đán, ngành F&B lại thêm một lần lao đao.
Ba cú đánh là rủi ro không thể tránh được với ngành, hồi phục chậm chạp nhưng đóng cửa lại phải ngay tức thì.
Giới kinh doanh nhà hàng rõ ràng phải tìm cách thích nghi trong tình hình mới, khi mà tâm lý khách hàng lo ngại dịch bệnh, vị trí mặt bằng đẹp đôi khi lại không tạo ra quá nhiều khác biệt. Ở chiều ngược lại, điều này lại tạo áp lực chi phí thuê lớn.
Dòng tiền đến từ hoạt động kinh doanh giảm sút khiến các doanh nghiệp đầu tiên phải tìm cách hạn chế dòng tiền ra. Tìm kiếm mặt bằng rẻ hơn, cắt giảm nhân sự có thể là một cách làm nhiều bên nghĩ tới. Trong trường hợp xấu hơn, thậm chí họ còn phải đóng cửa hàng loạt, sa thải toàn bộ nhân viên nhà hàng. Các chuỗi nhà hàng buộc phải thay đổi để thích nghi với thói quen tiêu dùng mới, cách thức phổ biến là đẩy mạnh bán hàng online thông qua app đặt đồ ăn, truyền thông mạng xã hội, hay call center… Nhưng với nhu cầu chưa thể hồi phục như trạng thái trước đại dịch, bài toán cho các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng vẫn khó.
Như đã đề cập, việc cân đối dòng tiền hoạt động kinh doanh mang ý nghĩa sống còn. Tiền được ví von như máu của doanh nghiệp; hay vốn thì như tấm đệm, đệm mỏng ngã đau, đệm dày ngã êm.
Golden Gate, công ty quản lý chuỗi nhà hàng đa phong cách sỡ hữu trên 20 thương hiệu và khoảng 400 điểm bán trên toàn quốc có lẽ là đại diện tiêu biểu khi nói về tình cảnh của ngành F&B.
Từ làn sóng COVID-19 thứ nhất, Golden Gate đã gặp phải tình trạng các ngân hàng từ chối cho vay thêm tiền. Mặt bằng của công ty chủ yếu đi thuê, không có nhiều bất động sản đảm bảo. Dù cho Chính phủ và các ngân hàng đã sớm đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng của Golden Gate vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong kinh doanh nhà hàng, nguồn vốn đặc biệt quan trọng để họ có thể duy trì hoạt động và thanh toán các khoản nợ.
Golden Gate còn là trường hợp kinh doanh tốt trên thị trường. Năm 2019, công ty này đạt doanh thu thuần 4.776 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 321 tỷ đồng, đều là mức kỷ lục trong lịch sử. Golden Gate kinh doanh tốt nhất trong các doanh nghiệp chuỗi nhà hàng, họ đã liên tục báo lãi tăng trưởng từ năm 2008.
Nhưng ngay cả một doanh nghiệp có vị thế như vậy cũng không được đánh giá quá cao về chất lượng tài sản.
Trong 2.171 tỷ đồng tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2019, gần 700 tỷ đồng là chi phí trả trước dài hạn, tài sản cố định 170 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn 166 tỷ đồng. Golden Gate có 489 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn 216 tỷ đồng, và tiền mặt 280 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản cố định trên tổng tài sản chiếm chưa đầy 8%.
Gặp khó khi đi vay do thiếu tài sản thế chấp, theo quan sát, Golden Gate cũng không thực hiện tăng vốn kể từ đầu năm 2020 cho đến nay.
Nhưng không phải không có cách, năm 2020 Golden Gate đã vay một số khoản sử dụng tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, hàng luân chuyển, giá trị đảm bảo 100 tỷ đồng.
Golden Gate cũng sử dụng dịch vụ vay thấu chi tại các ngân hàng với tài sản đảm bảo là tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của công ty này. Hiểu nôm na có nghĩa, Golden Gate có thể vay số tiền vượt số tiền gửi hiện có phục vụ hoạt động kinh doanh, kỳ hạn dưới một năm, nhưng phải chịu lãi suất lớn hơn các khoản vay thông thường.
Trong năm vừa rồi, HĐQT Golden Gate phê duyệt hàng loạt phương án vay vốn tại các ngân hàng, có thể kể đến như VietcomBank, VPBank, MBBank, VIB. Việc vay nợ chịu lãi cao hơn có lẽ cũng là điều cực chẳng đã đối với Golden Gate trong tình cảnh này.
Bức tranh tài chính của doanh nghiệp trong tương lai trở nên tươi sáng hơn, hay tối tăm đi phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng hồi phục của hoạt động kinh doanh, cũng như việc tái cấu trúc hệ thống nhà hàng đồ sộ phủ sóng nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo CafeF