Hàng không tư nhân kiến nghị gói vay ưu đãi

Sau khi Vietnam Airlines được Chính phủ hỗ trợ vốn vay, các hãng hàng không Vietjet Air, Bamboo Airways cũng kiến nghị vay ưu đãi.

Tại hội thảo “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” ngày 26/11, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho hay, trước đại dịch, hàng năm hãng tăng trưởng bình quân trên 30%, đóng góp thuế, phí khoảng 9.000 tỷ đồng.

Đến khi ảnh hưởng dịch bệnh, doanh thu của hãng suy giảm 70%. Hãng đã cắt giảm nhiều chi phí cũng như giảm lương 50% với cán bộ quản lý và chi trả thu nhập tối thiểu 8-10 triệu đồng đối với người lao động khác.

Mới đây, Vietnam Airlines đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn, gia hạn để các nhà băng cho vay. Do vậy, lãnh đạo Vietjet kiến nghị hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm. Theo đó, Vietjet sẽ trả nợ và lãi trong năm 2023-2025.

Ngoài ra, bà Phương kiến nghị, các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 được kéo dài đến hết năm 2021; giảm 3% lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.

“Đến 2023 ngành hàng không mới hồi phục, sự hỗ trợ của nhà nước hiện nay sẽ giúp các hãng vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, đóng góp ngân sách”, bà Phương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cũng kiến nghị, Chính phủ có các gói hỗ trợ, tái cấp vốn 2-3% thông qua hồ sơ tín dụng. Cùng với đó là hỗ trợ giảm phí cất hạ cánh, điều hành bay, phí nhiên liệu bay đến hết 2021.

“Chúng tôi đảm bảo đủ tài sản, phương án kinh doanh khả thi để được vay các gói dưới 12 tháng, tốt hơn là được vay trung hạn và dài hạn”, ông Hải nói.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, dòng tiền của các hãng hàng không đang cạn kiệt nghiêm trọng, phải liên tục thực hiện biện pháp tái cơ cấu, tăng khoản vay ngắn hạn. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không đã kiến nghị Chính phủ cho các hãng vay dài hạn 25.000 tỷ đồng. Nếu một số hãng được vay bằng lãi suất tái cấp vốn như 4.000 tỷ dành cho Vietnam Airlines thì mỗi năm Chính phủ chỉ phải hỗ trợ 1.000 tỷ đồng lãi suất. Trong khi mỗi năm các hãng hàng không nộp thuế và phí cho nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng.

“Có vốn hồi phục, các hãng sẽ trả được nợ, đóng góp nhiều cho ngân sách. Sau Vietnam Airlines, Chính phủ cần cho các hãng khác vay ưu đãi để hồi phục và cũng bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng”, ông Long nói.

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn khẳng định, kiến nghị của các doanh nghiệp hàng không sẽ được Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận và tham mưu đề xuất Chính phủ. Về việc mở đường bay quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải và các ngành, địa phương đang giải quyết các vấn đề như năng lực tiếp nhận người nhập cảnh của các cơ sở cách ly, quy trình cách ly… sau đó sẽ cấp phép cho các chuyến bay đưa khách quốc tế vào Việt Nam.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *