Hai phụ nữ đứng sau đột phá của vaccine Oxford
Dẫn đầu những nỗ lực và hướng đi đúng đắn của nhóm nghiên cứu Viện Jenner, Đại học Oxford, là hai nữ giáo sư Sarah Gilbert và Catherine Green.
Khi làn sóng Covid-19 thứ hai quét qua, nhiều chuyên gia cho rằng một loại vaccine an toàn và hiệu quả là tia hy vọng để đẩy lùi đại dịch. Cộng đồng hướng sự chú ý vào giới khoa học, những người đứng sau thành công của mỗi liều tiêm chủng.
Ngày 23/11, Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca thông báo vaccine mà hai đơn vị phối hợp sản xuất có hiệu quả 70%, liều thấp hiệu quả 90%. Đây được coi là dấu hiệu đáng khích lệ trong chuỗi tin vui về tiêm chủng suốt hai tuần vừa qua. Trước đó, hãng dược Pfizer và Moderna công bố hiệu quả “ứng viên” của hãng lần lượt là 95% và 94,5%. Khác với dòng vaccine dựa trên mRNA, phải trữ đông, sản phẩm của AstraZeneca có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở 2-8 độ C. Như vậy, giá bán của nó rẻ hơn rất nhiều.
Chính phủ Anh đã đặt hàng trước 100 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Hãng cũng cho biết sẽ sản xuất 3 tỷ liều cho thế giới vào năm 2021.
Đứng sau thành công của vaccine AstraZeneca là nỗ lực từ hai nữ giáo sư Sarah Gilbert và Catherine Green, những người dẫn đầu nhóm nghiên cứu Viện Jenner, Đại học Oxford.
Mặc dù đứng đầu một khám phá có khả năng thay đổi cuộc sống của toàn nhân loại, giáo sư Gilbert vẫn khá khiêm tốn về thành quả này. “Những gì chúng tôi cố gắng làm chỉ là tạo ra một loại vaccine”, bà nói một cách giản dị.
Niềm đam mê y khoa của bà Gilbert bắt đầu khi đang học tại Trường Trung học Kettering. Sau đó, bà tốt nghiệp ngành sinh học, Đại học East Anglia. Bà chuyển đến Đại học Hull để tiếp tục lấy bằng tiến sĩ.
Gilbert tới Đại học Oxford vào năm 1994, trở thành giảng viên trong ngành tiêm chủng năm 2004. Đến 2010, bà gia nhập Viện Jenner và sớm trở thành người được đồng nghiệp ngưỡng mộ. “Sarah Gilbert thật tuyệt vời khi trò chuyện với truyền thông. Bà ấy thực sự là một chuyên gia, trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng và trung thực. Thật tự hào khi được làm việc cùng bà ấy”, Susanna Dunachie, chuyên gia miễn dịch Đại học Oxford, chia sẻ.
Song bà Gilbert cho biết quá trình đến với vaccine là một cơ duyên. “Ban đầu, tôi tới Oxford để làm việc trong một dự án về gene người. Nghiên cứu chú trọng vào một loại phản ứng miễn dịch cụ thể, bảo vệ con người khỏi bệnh sốt rét. Vì vậy, công đoạn tiếp theo là tạo ra loại vaccine hiệu quả thông qua phản ứng miễn dịch này. Đó chính là cách tôi tiếp cận vaccine”.
Những đóng góp của bà được đánh giá cao trong giới khoa học. Khi số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu vượt quá ngưỡng 1 triệu, các chuyên gia kinh tế dự đoán về viễn cảnh khủng hoảng tài chính kéo dài. Vì vậy, chạy đua vaccine là cấp thiết.
Giáo sư Gilbert được coi như “làn gió mới” trong ngành nghiên cứu khoa học vốn được nam giới thống trị. Theo phân tích của chiến dịch Phụ nữ trong Khoa học và Kỹ thuật, nữ giới có chuyên môn khoa học chiếm tới 45,7% lực lượng lao động. Tuy nhiên, chỉ dưới 30% là nhà nghiên cứu.
Hiện tại, sự nghiệp và gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với bà Gilbert. Bên cạnh dẫn dắt nhóm nghiên cứu, công việc mà bà mô tả là “những ngày rất dài”, giáo sư Gilbert còn có ba con. Cả ba thanh niên 21 tuổi đã tình nguyện tham gia thử nghiệm của mẹ. “Chúng đều là nhà hóa sinh và rất quan tâm đến những gì diễn ra”, bà Gilbert chia sẻ.
Dù lĩnh vực công việc đặc thù, bà không xa lạ với những khó khăn mà một người phụ nữ đi làm phải đối mặt. Bà không né tránh khi nói về cuộc đấu tranh để cân đối giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.
“Bởi vì tôi sinh ba, tiền nhà trẻ sẽ cao hơn cả thu nhập hàng tháng của một nhà khoa học. Vì vậy, chồng tôi phải hy sinh sự nghiệp để chăm sóc con cái”, bà chia sẻ.
Dù không nổi tiếng như giáo sư Gilbert, giáo sư Catherine Green cũng góp công lớn đối với thành công của vaccine Oxford. Tình yêu đối với khoa học của cô được củng cố trong thời gian còn là sinh viên Đại học Cambridge.
Kể từ khi hoàn thành các khóa học, giáo sư Green tích lũy được hồ sơ khá ấn tượng. Cô nhận được học bổng của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Hoàng gia (nay là Viện Nghiên cứu Ung thư Anh) cho công trình của mình. Sau đó, nhà khoa học trẻ tuổi tiếp tục tìm hiểu về DNA trong nấm men tại phòng thí nghiệm Clare Hall. Sau khi lấy bằng tiến sĩ, cô chuyển về Viện Curie và tham gia dự án về tổn thương của DNA trong tế bào người.
Hiện tại, Catherine Green là giáo sư Động lực học nhiễm sắc thể tại Đại học Oxford. Cô cũng đứng đầu Cơ sở Sản xuất Thủy sinh học Lâm sàng của Bộ Y tế Nuffield (CBF). Đây là nơi đã cho ra đời nhiều loại vaccine mới, lần đầu được thử nghiệm trên người như vaccine sốt rét, lao, cúm, MERS, Zika, bệnh dại, dịch hạch và Ebola.
Green bắt đầu nghiên cứu vaccine Covid-19 cùng với nhóm chuyên gia tại Viện Jenner vào tháng 1 năm nay. Giống với giáo sư Gilbert, giáo sư Green khá khiêm tốn về thành tích của mình. Cô đặc biệt thận trọng khi nói về tiềm năng của vaccine. Hồi tháng 4, cô chia sẻ: “Chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn, đến từ bản thân mình bởi mong muốn được giúp đỡ. Song cũng có nhiều sức ép từ giới truyền thông, chính các bạn và người thân. Chính phủ đang lựa chọn cách tiếp cận hợp lý”.
Sau tin tức về thành công của vaccine, Green dành những lời tri ân đến toàn nhóm nghiên cứu của mình. Cô viết trên trang Twitter chính thức: “Nếu được phép, tôi sẽ mua cho cả đội một chiếc bánh lớn ngày hôm nay, thay cho lời cảm ơn và kỷ niệm. Song điều này phải đợi đến năm sau. Tôi biết ơn họ vì sự chăm chỉ và cống hiến trong năm nay. Tất cả sẽ được đền đáp”.
Vaccine của Oxford được phát triển dựa trên công nghệ vector. Các nhà khoa học sử dụng virus cảm cúm vô hại (adenovirus) từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus chứa các gene của nCoV. Khi tiêm vào tế bào người, chúng tạo ra protein giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này.
Cống hiến của hai giáo sư giúp thế giới nhận định lại vai trò của phụ nữ trong ngành nghiên cứu và phát triển y khoa. Dù vấn đề mất cân bằng giới tính đang dần bị xóa bỏ, trong lịch sử, những phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực vẫn chưa có được sự đền đáp xứng đáng.
Katherine Johnson, nhà toán học Mỹ đóng góp các thuật toán quyết định sứ mệnh Apollo 11 đã bị ngó lơ nhiều năm. Cách biệt về lương tính theo giới đối với các nhà khoa học tại Anh cũng rất lớn. Theo khảo sát của tạp chí New Scientist năm 2019, thu nhập trung bình của một nhà khoa học nữ là 47.500 USD, trong khi của nam giới là 61.200 USD. Mức chênh lệch 22%.
Theo VNEXPRESS