Hai lời hứa có thể khiến cử tri lao động quay lưng với Trump

Toàn cảnh khu tổ hợp sản xuất thép Great Lakes Works.

Những hứa hẹn lần này của Trump có thể thiếu sức nặng hơn với tầng lớp lao động vì ông có 2 mục tiêu chưa thành trong nhiệm kỳ qua.

Tháng 12/2019, Bob Kemper, một trong các lãnh đạo của United Steelworkers Local 1299, được triệu tập đến phòng họp tại Great Lakes Works, tổ hợp thép nằm ở phía nam Detroit, bang Michigan.

Một nhóm các quản lý cấp cao nói với ông và ba quan chức khác của công đoàn rằng ngành công nghiệp ôtô, vốn mua gần như toàn bộ thép của nhà máy, đang cắt giảm sản lượng. Với nhu cầu giảm, phần lớn Great Lakes Works sẽ “không hoạt động vô thời hạn.”

Kemper biết điều này có nghĩa họ sẽ bị sa thải, nhưng thuật ngữ này không quen thuộc. “Hợp đồng của chúng tôi nói rằng nhà máy phải được tuyên bố đóng cửa để chúng tôi được thôi việc”, Kemper nói, “Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem ‘không hoạt động vô thời hạn’ nghĩa là gì”.

Mang việc làm trở lại cho ngành sản xuất

Gần một nghìn công nhân mất việc làm kể từ đó, điều này không tốt với Donald Trump. Năm 2016, 2 ngày trước Ngày bầu cử, ông đã tổ chức một cuộc vận động ở Michigan. “Chúng ta sẽ ngăn các công việc chảy đến Mexico, Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới. Chúng ta sẽ đưa Michigan trở thành trung tâm sản xuất của thế giới một lần nữa”, ông nói khi ấy.

Đối với những người lao động không có bằng đại học, đại diện cho hơn 60% lực lượng lao động Mỹ, ngành thép là một trong số ít những công việc từng mang lại thu nhập tốt. Tuy nhiên, ngành sản xuất của Mỹ đã suy giảm trong nhiều thập kỷ. Tổng cộng, Mỹ đã mất 94.000 nhà máy và 5 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất kể từ năm 1997.

Với tư cách là tổng thống, Trump tiếp tục gặp gỡ cử tri tại khắp vùng Rust Belt, hứa hẹn hồi sinh ngành sản xuất. Tháng 7/2017, tại một sự kiện ở Youngstown (Ohio), Trump hứa rằng những công việc bị mất từ các nhà máy bị bỏ hoang trong khu vực sẽ quay lại. “Đừng đi đâu. Đừng bán nhà của bạn. Chúng tôi sẽ lấp đầy các nhà máy đó”, ông tuyên bố.

Để triển khai, tháng 3/2018, ông áp đặt thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Cả US Steel và United Steelworkers đều nhận ra sự phục hồi sau đó. Các công nhân đã quay lại làm việc, và “chúng ta một lần nữa đổ chất thép mới của Mỹ vào xương sống của đất nước mình”, Trump ca ngợi trong một sự kiện mở cửa lại một nhà máy thép ở Granite, Illinois.

Nhưng chẳng bao lâu, Mỹ miễn thuế thép cho Mexico, Canada, Australia, và một số nước khác để đổi lấy quyền lợi thương mại khác. Tháng 6/2019, chỉ 17% lượng thép nhập vào Mỹ phải tuân theo chính sách thương mại. Scott Paul, Chủ tịch Alliance for American Manufacturing nói sự hồi sinh chỉ trong ngắn hạn và thuế quan không đủ bảo vệ ngành thép.

Ngành công nghiệp của Mỹ đã xấu đi hơn trong nhiệm kỳ của Trump. Theo Bộ Lao động Mỹ, hơn 200.000 việc làm đã bị mất. General Motors đã đóng cửa ba nhà máy ở Mỹ và nhà máy lớn nhất của hãng hiện ở Mexico. Boeing và GE đã cắt giảm hàng nghìn việc làm để chuyển sang các nước có mức lương thấp hơn.

Trong khi đó, các biện pháp thương mại của chính quyền Trump đã bị hủy hoại bởi cách triển khai đột ngột và lộn xộn. United Steelworkers và Alliance for American Manufacturing, một tổ chức phi lợi nhuận về kinh doanh và lao động, đã ủng hộ các mức thuế của Trump đối với thép và nhôm. Nhưng họ cũng chỉ trích sự thất bại trong động thái chống lại Trung Quốc.

Ngay cả sau khi bị Mỹ áp thuế, Trung Quốc, nước sản xuất hơn 50% nguồn cung thép của thế giới, vẫn bán mặt hàng này tràn ngập thị trường và chi phối giá thép. Tháng 4/2017, Trump tuyên bố rằng Trung Quốc “không phải là nước thao túng tiền tệ”, phá vỡ cam kết tranh cử của ông. Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Trung Quốc đã mua trái phiếu kho bạc của Mỹ để giúp giữ cho đồng tiền của họ ở mức thấp. Đối với một số nhà kinh tế, đồng USD được định giá quá cao là trở ngại đáng kể nhất đối với sự hồi sinh của ngành sản xuất Mỹ.

Covid-19 xuất hiện càng đẩy nhanh sự suy thoái của công nghiệp Mỹ. Theo một báo cáo mới của nhà kinh tế học Robert Scott tại Viện Chính sách Kinh tế Mỹ, việc làm trong lĩnh vực sản xuất giảm 650.000 kể từ khi bắt đầu đại dịch, xóa sạch những thành quả trước đây của Trump. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc và các nước đang tăng trở lại, cho thấy Mỹ thiếu các nhà sản xuất trong nước. Ông Scott cho rằng chính quyền Trump “hoàn toàn không có tầm nhìn chiến lược “về cách lấy lại 94.000 nhà máy và năm triệu việc làm.

Mặc dù Trump đã không thực hiện được nhiều lời hứa cho ngành sản xuất, nhưng ông vẫn tiếp tục vận động như thể ông đã giữ lời. Tháng trước, tại một sự kiện gần Saginaw, Michigan, ông nói rằng đã “cứu ngành công nghiệp ôtô” và mang lại cho bang “rất nhiều nhà máy ôtô”. Nhưng Michigan đã mất 50.000 công việc sản xuất kể từ khi Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, khoảng một nửa trong số đó là trong ngành công nghiệp ôtô.

Một gia đình ủng hộ Joe Biden trang trí khẩu hiệu trước nhà tại Wyandotte, Michigan.

Tháng trước, Joe Biden đã có một bài phát biểu tại trụ sở khu vực của United Auto Workers, ở Warren, Michigan, nơi GM đã đóng cửa một nhà máy vào năm 2019. Biden lưu ý cách Trump đã hứa rằng Michigan sẽ không “mất một nhà máy” khi ông còn là tổng thống.

Ông nhắc rằng, thực tế, Trump đã ký một dự luật thuế vào năm 2017, gián tiếp khuyến khích các công ty làm việc ở nước ngoài bằng cách giảm thuế đối với lợi nhuận nước ngoài của họ.

Giúp Mỹ hưởng lợi khi ‘xem lại’ toàn cầu hóa

Trong lịch sử, nhiều nhà kinh tế đã mô tả thương mại tự do là hai bên cùng có lợi: Mỹ có thể tăng xuất khẩu, và người tiêu dùng có thể mua hàng hóa rẻ. Ý tưởng này rất phổ biến ở Phố Wall, nơi các tập đoàn thu lợi từ giá công nhân rẻ và tiếp cận được nhiều thị trường hơn. “Tôi tin rằng quá trình này là không thể đảo ngược”, Bill Clinton nói trong một bài phát biểu năm 2000.

Chính vì quan điểm này, bất chấp sự phản đối của nhiều công đoàn và các nghị sỹ đảng Dân chủ, Bill Clinton vẫn đặt bút ký Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (Nafta) năm 1993.

Một số nhà kinh tế sau đó đã chỉ ra thu nhập quốc dân cao hơn để biện dẫn cho Nafta là một giá trị tích cực. Nhưng việc phân phối lại của cải không bao giờ thành hiện thực. Một nghiên cứu năm 2017 của Josh Bivens, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế, cho thấy thương mại mở rộng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập.

Trong một nghiên cứu khác, ông phát hiện ra rằng thương mại với các quốc gia có mức lương thấp khiến người lao động Mỹ không có bằng đại học bị mất gần 2.000 USD một năm, ngay cả khi đã tính đến chi phí hàng tiêu dùng thấp hơn.

“Đúng là nếu chỉ nhìn vào tổng thể thì thu nhập quốc dân ở Trung Quốc và Mỹ cao hơn, với ít hạn chế thương mại hơn. Nhưng đó không phải là đôi bên cùng có lợi. Hầu hết người Mỹ thực sự tệ hơn vì toàn cầu hóa”, ông nói.

Ông Obama cũng từng tranh cử với tư cách là một nhà dân túy kinh tế. Trong một cuộc tranh luận năm 2008 ở Cleveland, ông chỉ trích Hillary Clinton khi bà ủng hộ Nafta. Tuy nhiên, sau đó với tư cách là tổng thống, Obama đã ủng hộ TPP và không mạnh tay trừng phạt các vi phạm thương mại của Trung Quốc và các nước khác. Chính vì vậy, năm 2016, trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, Trump cũng đã thắng Michigan vì lời hứa viết lại Nafta.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Robert Scott đánh giá, hiệp định mới thay thế Nafta giữa Mỹ, Mexico và Canada có tên USMCA, không mang lại nhiều lợi ích. “Nó sẽ giúp công nhân ở Mexico đoàn kết, nhưng nó sẽ không giúp tăng lương ở Mỹ”, ông cho rằng hiệp định này coi như “hỏng”. “Chúng ta đã làm theo cách này và chúng ta không nhận được gì ngoài mất việc làm và áp lực giảm lương”, ông tuyên bố.

Mặc dù Biden ủng hộ Nafta và nhiều hiệp định thương mại tự do khác trong những năm qua, ông đã cố gắng lờ đi nó trong chiến dịch tranh cử. Hiện ông tập trung tuyên truyền về chương trình “mua hàng Mỹ”. Nói chuyện với United Steelworkers, ông còn hứa sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào cho đến khi có được những khoàn đầu tư lớn ngay tại Mỹ.

Khi được hỏi hàng tháng có bao nhiêu thành viên đến dự họp của công đoàn, Bob Kemper nói miễn là ra thông báo về việc sắp mất việc thì hàng trăm người sẽ kéo đến. Còn thông thường thì khoảng 20 người. Ông nói rằng River Rouge (Michigan) từng đẹp như tranh vẽ vào những năm 80. Giờ thì nhiều cửa hàng ở mặt tiền đường đã đóng cửa “Điều đó thật tàn khốc với khu vực này”, ông nói.

Tại Jackson, một thành phố khách của Michigan, Jim Saterlee mới vừa đi làm trở lại ở nhà máy Gerdau, một “nhà máy mini” sản xuất thép cho hộp số, trục cam và nòng súng. Ông đã làm việc được 36 năm và không mấy lạc quan về tương lai công việc sắp tới.

Jim Saterlee nói rằng Joe Biden không phải là lựa chọn của ông nhưng vẫn phải bỏ phiếu cho ông ấy vì giờ “Trump nguy hiểm hơn”. Jim nói rằng một số người ông biết bắt đầu quay lưng lại với Trump nhưng ông dự đoán Trump vẫn chiến thắng ở Michigan.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *