Hà Nội: 26 tòa nhà vi phạm phòng cháy chữa cháy nhưng… “bất khả kháng”
Năm 2017, qua kiểm tra, toàn TP có 79 tòa nhà cao tầng vi phạm. Đến nay, đã giải quyết, khắc phục được tại 41 tòa đã được nghiệm thu công tác PCCC và một số tòa đang tiếp tục khắc phục. Đặc biệt, có 26 tòa nhà “bất khả kháng” vì liên quan đến kiến trúc, kết cấu, nếu so với quy định của Luật PCCC.
Ngày 27-3, Đoàn giám sát về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư của HĐND TP Hà Nội do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP làm trưởng đoàn đã làm việc tại UBND quận Thanh Xuân.
Đại tá Lê Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP cho biết, công tác PCCC với nhà chung cư đặc biệt đang nóng. Hà Nội tuần qua cũng xảy 2 vụ cháy, rất may đã kịp thời xử lý.
Ông Tuấn cho hay, có khá nhiều bất cập trong công tác PCCC. Với những nhà sử dụng đã lâu, thì hệ thống PCCC có nhưng nay không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả, do chủ đầu tư khi thi công không chấp hành đúng quy định của Luật PCC và việc kiểm tra, bảo dưỡng, bảo hành gần như không có.
Còn những tòa nhà mới xây gần đây, do Luật PCCC quy định chặt chẽ, nên khi kiểm tra, nghiệm thu PCCC thì chấp hành, nhưng sau đó không thay thế, đầu tư, bảo dưỡng. Như một số tòa chung cư ở khu Trung Hòa- Nhân Chính khi kiểm tra các đường ống lâu không vận hành, đã bị bục hết.
Năm 2017, qua kiểm tra, toàn thành phố đã chỉ ra 79 tòa nhà cao tầng vi phạm. Đến nay, đã giải quyết, khắc phục được tại 41 tòa đã được nghiệm thu công tác PCCC và một số tòa đang tiếp tục khắc phục. Đặc biệt, có 26 tòa nhà “bất khả kháng” vì liên quan đến kiến trúc, kết cấu, nếu so với quy định của Luật PCCC.
|
Đại tá Lê Mạnh Tuấn cho biết Hà Nội hiện có 26 tòa nhà vi phạm PCCC nhưng “bất khả kháng” trong khắc phục |
Vướng mắc này, ông Tuấn cho hay, đã kiến nghị Bộ Xây dựng cho giải pháp, chấp thuận cho chỉnh sửa, còn nếu đúng theo Luật PCCC thì không được hoạt động.
Hiện, Hà Nội mới có 25/30 quận, huyện, thị xã có đội chữa cháy chuyên nghiệp, nên có đơn vị phải kiêm nhiệm 2-3 quận huyện, nhiều khi phải 30 phút, thậm chí 50 phút lực lượng chuyên nghiệp mới đến nơi. Thế nên, theo ông Tuấn, việc chữa cháy ở cơ sở ngay ban đầu sẽ giảm thiệt hại lớn, nên phải xây dựng, huấn luyện, trang bị kiến thức PCCC cho lực lượng cơ sở.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho hay, nhiều nơi, khi xây dựng có thiết kế lối vào xe chữa cháy rõ ràng, nhưng xây xong lại cơi nới, trông giữ xe… làm mất lối vào. Hay hệ thống nước chữa cháy, vào mùa hè, nước sinh hoạt còn yếu nói gì đến nước chữa cháy. Trong khi ở các nước, nước sinh hoạt có thể không có nhưng hệ thống nước chữa cháy bao giờ cũng phải đảm bảo, nhưng ở mình dùng chung một hệ thống…
Đáng bàn, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân hiện đang rất kém. “Các buổi tuyên truyền PCCC phần lớn chỉ được 20-30 người, phần lớn là người giúp việc, toàn các cháu 15, 17 tuổi, rồi các các cụ già 60, 70 tuổi rủ nhau đến nghe. Có tòa nhà dự kiến làm mấy buổi, nhưng buổi đầu có 15-20 người, buổi thứ hai lèo tèo vài người…”, Đại tá Lê Mạnh Tuấn nói.
Riêng quận Thanh Xuân có 95 tòa nhà cao tầng, trong đó có 79 chung cư, 14 tòa nhà văn phòng, 1 khách sạn và 1 quán karaoke. Trong số này, có 88 công trình đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, còn 29 công trình không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC.
Cụ thể, tòa nhà ở kết hợp văn phòng số 88 Tô Vĩnh Diện do ông Nguyễn Văn Thân là chủ đầu tư; nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc, phường Thượng Đình; nhà văn phòng tại số 27 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung; tòa nhà văn phòng cho thuê tại 227 Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai.
Bên cạnh đó, có 3 công trình đã đưa vào hoạt động, đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, gồm: Nhà làm việc và chung cư cao tầng tại 143 ngõ 85 Hạ Đình, Tòa nhà TX05 phố Ngụy Như Kon Tum, tòa nhà Cục sở hữu trí tuệ tại 386 Nguyễn Trãi.
Trong số các công trình đã thẩm duyệt, nghiệm thu về PPCC có 22 công trình không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC, trong đó có 12 nhà tái định cư và 7 nhà đa năng.
Theo Phương Thảo
Pháp luật xã hội