Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chưa hiệu quả với doanh nghiệp và người lao động

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đã thực hiện từ giữa năm 2020, tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách thời gian qua là quá chậm, không đạt yêu cầu.

Trước đó, để triển khai việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện, ngày 19/10/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP. Dự kiến nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 khoảng 61.580 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo đánh giá của Chính phủ mới đây về gói hỗ trợ này, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, từ những tìm hiểu thực tế, ông Đỗ Văn Sinh – Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế – đã nêu ra quan điểm tại cuộc họp thường trực mở rộng của Ủy ban Kinh tế, phục vụ thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng năm 2021, mới đây cho thấy, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chưa hiệu quả với doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ông Sinh cũng đặt ra câu hỏi, nguyên nhân không thực hiện hiệu quả là do cơ chế của Quốc hội hay do khâu tổ chức thực hiện, giải pháp khắc phục thời gian tới là gì?

Đồng tình với đại biểu Đỗ Văn Sinh, đại biểu Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cũng nhấn mạnh: gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng không đạt yêu cầu, giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chưa được 2.000 tỷ, tức là đối tượng để đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh thì được giải ngân rất ít.

“Về nguyên nhân, ở đây có thể thấy là do điều kiện để được nhận hỗ trợ quá ngặt nghèo, người lao động để được hỗ trợ 1 triệu đồng thì phải qua quá nhiều thủ tục, có khi xa quê lâu rồi về cũng không được chứng nhận nên đành không nhận hỗ trợ” – đại biểu Nguyễn Văn Thân cho biết.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Thị Lan cho hay, hiện nay Ủy ban này đang tập hợp thông tin từ các doanh nghiệp, địa phương về tình hình gói hỗ trợ và kết quả rất thấp. Theo bà Lan, một số kết quả cụ thể thấp đến mức khó tin, như mới thực hiện được 0,19% hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc. Đáng chú ý là hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp mới đạt chưa đến 1% còn hỗ trợ cho người lao động theo hơp đồng phải chấm dứt hợp đồng… cũng chưa đến 1%, chỉ đạt 0,22 – 0,49%. Tổng hợp chung các chính sách hỗ trợ gián tiếp còn 96,32% chưa thực hiện được.

Bà Lan đề nghị Ủy ban Kinh tế – cơ quan chủ trì thẩm tra tình hình kinh tế – xã hội, thúc giục Chính phủ sớm có báo cáo đánh giá toàn diện về chống dịch Covid-19, thực hiện các chính sách hỗ trợ và đồng thời phải có báo cáo đầy đủ riêng về vấn đề này gửi cho các đại biểu ở Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội. Đồng thời nhấn mạnh: “Việc này cần được thực hiện sớm để xem xét chuẩn bị ban hành chính sách mới”.

Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ cũng đang họp về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Theo ông Phương, thời gian tới, Chính phủ sẽ chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, lao động tại các khu công nghiệp, người sử dụng lao động để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh; Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Thông báo số 157/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và xây dựng dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị.

Thủ tướng yêu cầu Dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị cần nêu rõ các nội dung xin ý kiến và lý do xin ý kiến, gồm: Các đối tượng được hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ; mức hỗ trợ; thời gian hỗ trợ; nguồn kinh phí hỗ trợ; tổng mức hỗ trợ; đồng thời, yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, Tờ trình Bộ Chính trị và dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị.

Thủ tướng giao Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sau khi tiếp thu ý kiến và thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ ký Tờ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…