Gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD có thể đảo chiều dòng vốn toàn cầu
Kinh tế Mỹ được dự báo tích cực hơn nhờ gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD, nhưng điều này có thể khiến dòng vốn toàn cầu rời các nền kinh tế mới nổi để quay lại Mỹ.
Trong báo cáo mới đây, JPMorgan đánh giá các nền kinh tế mới nổi châu Á có thể trở thành “nạn nhân” khi Tổng thống đắc cử Joe Biden công bố gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD.
“Hầu hết nhà đầu tư đều đánh giá tích cực về châu Á và các thị trường mới nổi so với Mỹ, nhưng đó là trước khi thông tin chi tiết về gói hỗ trợ mới nhất được công bố”, James Sullivan, Trưởng bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần châu Á ngoài Nhật Bản tại JPMorgan nhận xét.
Ông cho biết, tổ chức này đã ghi nhận hơn 18 tuần liên tiếp dòng vốn đầu tư chảy vào châu Á. Nhưng rất có khả năng dòng chảy này sẽ đảo chiều, trở lại Mỹ nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế từ kế hoạch của Biden.
Trước đó, ngày 15/1, Biden công bố gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD, ngoài 900 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 12/2020.
Theo đó, trợ cấp thất nghiệp tuần sẽ tăng từ 300 USD lên 400 USD. 170 tỷ USD sẽ dành để mở cửa lại các trường học. Tại rất nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, trường học đóng cửa đã buộc hàng triệu lao động, đặc biệt là phụ nữ phải nghỉ việc.
Trợ cấp cho mỗi người dân Mỹ cũng tăng thêm 1.400 USD. Số tiền này có thể được chi cho thuê nhà, mua đồ ăn, hoặc dành dụm để sau này chi tiêu khi vaccine giúp cuộc sống trở lại bình thường.
Sullivan cho biết, JPMorgan trước đó đã dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm 2% do thiếu các kích thích tài khóa. Sau khi Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận về gói cứu trợ 900 tỷ USD vào cuối tháng 12/2020, tổ chức này nâng dự báo lên thành tăng trưởng 0,7%.
“Kế hoạch 1.900 tỷ USD của Biden gấp đôi so với dự kiến của JPMorgan. Điều này sẽ là một bất ngờ tích cực đối với thị trường cũng như đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ”, chuyên gia này cho biết.
Theo dự đoán của Sullivan, Trung Quốc – một trong những thị trường tích cực nhất trong khu vực năm 2020 – có thể nằm trong nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.
Theo VNEXPRESS