Giao hàng nội thành: “Chiến tranh thương mại” hay đàm phán hoà bình
Dịch vụ giao hàng nội thành trong thời gian ngắn đang ngày càng sôi động. Tham gia cuộc chiến này không chỉ có những công ty chuyển phát lớn, mà còn là rất nhiều những startup với vô vàn những dịch vụ được tăng cường và mở rộng. Với số lượng lớn đối thủ như vậy, liệu đây sẽ là một cuộc chiến khốc liệt hay ẩn chứa những thoả thuận hợp tác?
Sau cú knock-out Uber, Grab đang nắm trong tay lợi thế lớn chưa từng có ở mảng vận chuyển: khối lượng khách hàng và tài xế đều tăng lên, hầu như không có đối thủ xứng tầm ở khu vực. Vì vậy, với lượng người dùng rất lớn ở mảng gọi xe, cộng với nguồn vốn dồi dào, Grab hoàn toàn có cơ sở để triển khai nhiều dịch vụ mới mẻ ở Đông Nam Á – khu vực đang có tốc độ phát triển kinh tế vô cùng mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, cũng giống như cuộc chiến giữa Grab, Uber và taxi một thời, thị trường giao nhận hàng cũng đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị giao nhận hàng truyền thống và đơn vị giao hàng công nghệ. Nắm giữ mạng lưới hơn 7 triệu tài xế, nhà đại lý, và người bán hàng khắp Đông Nam Á, việc Grab bước chân vào lĩnh vực giao hàng, thể hiện tham vọng giữ vững vị trí thống lĩnh thị trường trong bối cảnh hàng loạt đối thủ mới đang sẵn sàng tấn công vào thị trường Việt Nam.
Thế nhưng, chiếc bánh ngon sẽ hấp dẫn nhiều tay chơi. Sự xuất hiện của các công ty vận chuyển công nghệ mới như: Go-Viet (với sự hậu thuẫn từ “kì lân” Go-Jek), Super Ship, Busship,… được cho là sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn cho những công ty đi trước, đồng thời mang đến sự thay đổi đáng kể trong cuộc chiến giành thị phần mảng giao hàng ở Việt Nam.
Còn với thị trường giao nhận nội thành (tại các thành phố lớn), hiện tại vẫn chưa thể biết được “mèo nào cắn mỉu nào”.
Các doanh nghiệp có thị phần lớn của thị trường chuyển phát trong nước như VNPost, ViettelPost… cũng đã có những giải pháp dịch vụ dành riêng cho giao hàng nội thành bên cạnh những app công nghệ để chở đồ, chở người (như Grab), giao hàng (AhaMove, Lalamove) hay chở các loại hàng hoá riêng biệt (Now chuyên giao đồ ăn, và mới mở rộng sang giao hoa và thực phẩm), đặc biệt là đội ngũ vô cùng đông đảo shipper tự do, ship ruột của các cửa hàng,…
Số lượng đơn hàng nội thành có thể lên đến 150.000 đơn hàng/ngày, nhưng những công ty này mới chỉ tiếp nhận và vận chuyển được khoảng 20% dung lượng thị trường, chứng tỏ cuộc chiến giao hàng nội thành đã “tăng nhiệt” trở nên gay gắt và khốc liệt hơn rất nhiều.
Sự lớn mạnh của các app giao hàng nội thành đi kèm với sự phát triển của các trang thương mại điện tử (TMĐT) đang bùng nổ. Vì thế, việc các trang TMĐT hợp tác với các app giao hàng để tối ưu hóa giải pháp giao hàng nội thành như Shopee dù đã có đội ship riêng, nhưng vẫn kết hợp cùng Giao Hàng Nhanh và Giaohangtietkiem để mở rộng mạng lưới, hay Sendo hợp tác cùng AhaMove,… Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó với bất kì doanh nghiệp nào, bởi họ sẽ phải đầu tư chiều sâu vào hệ thống nhân viên, ứng dụng công nghệ để giải quyết các nút thắt về thời gian và chi phí.
Đó là giữa các trang TMĐT với các app giao hàng, còn cuộc chiến “nội bộ” giữa các app giao hàng nội thành thì sao?
Nhận định về điều này, anh Trường Nguyễn – CEO Ahamove cho rằng: “Thị trường giao hàng, đặc biệt là giao hàng theo nhu cầu đang rất sôi động. Với AhaMove, đó vừa là mối quan hệ cạnh tranh, vừa là cơ hội hợp tác để phát triển. Ví dụ như Now, về lý thuyết, có thể chọn AhaMove là đối tác, cụ thể là bên thứ ba, và có thể thuê AhaMove trong trường hợp cần thiết. Nhiều công ty đã áp dụng phương thức thuê bên thứ 3 để có thể tập trung vào những mảng cốt lõi”.
Anh Trường cũng cho biết, hệ sinh thái mà các bên đang tham gia đều có những cấu trúc riêng. Ví như Now và Foody về một nhà để tạo ra hệ sinh thái về đồ ăn, tức là Foody là nơi review nhà hàng và Now giao hàng theo yêu cầu của các quán ăn và nhà hàng trên Foody. Hay như AhaMove cũng nằm trong hệ sinh thái, nhưng đó là hệ sinh thái giao hàng.”
Tuy vậy, hiện các doanh nghiệp vẫn có xu hướng tự đầu tư hệ thống giao nhận riêng nhằm quản lý tập trung, củng cố thương hiệu và tối ưu chi phí. Thị trường thương mại điện tử trong nước mới ở những bước đầu tiên và sẽ còn tăng trưởng rất nhanh. Chính điều này đòi hỏi các nhà bán lẻ trực tuyến các giải pháp hậu cần, vận chuyển chất lượng cao và chuyên nghiệp để mở rộng quy mô hoạt động.
Và xu hướng được các nhà bán hàng trực tuyến lựa chọn, đó chính là hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các công ty chuyển phát để thúc đẩy dịch vụ theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Các công ty chuyển phát cũng “bắt tay” nhau để phục vụ nhiều khách hàng hơn ở những chỗ mình mạnh, khách hàng từ đó cũng được phục vụ tốt hơn. Điều này thực chất đều có lợi cho tất cả các bên bởi có thể tận dụng tối đa các cơ hội của thị trường, nâng cao dịch vụ chuyển phát tiến tới dịch vụ vận chuyển đơn hàng ngày càng hoàn thiện hơn.
Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]