Giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu: Nên hay không?

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần theo một chính sách tỷ giá mềm dẻo, tức là nên giảm giá đồng VND so với USD nhưng không giảm mạnh như CNY để hỗ trợ xuất khẩu.

“Một chính sách tỷ giá mềm dẻo”

Tháng 6 và đầu tháng 7 đánh dấu chuỗi biến động mạnh của thị trường ngoại hối khi tỷ giá USD /VND tăng mạnh 150 đồng, bật lên khỏi nền giá duy trì trong hơn một năm qua.

Tỷ giá tiếp tục tăng thêm 100 đồng trong 2 tuần đầu tháng 7, tương đương mức tăng 1,1% chỉ trong vòng 1 tháng và giao dịch ở mức 23.010/23.080 đồng trên thị trường ngân hàng.

Tỷ giá tự do cũng chịu áp lực và tăng mạnh 360 đồng lên mức 23.180/23.230 đồng, đồng thời chênh lệch giá mua bán tăng từ 20 đồng lên 50 đồng.

Sức ép lên tỷ giá trong tháng 6 đến chủ yếu từ yếu tố bên ngoài kết hợp với tâm lý bên trong. Hàng loạt các đồng tiền trên thế giới đã mất giá nhanh trong tháng 6 do Mỹ chính thức áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang.

Chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, đồng CNY của Trung Quốc đã mất giá 4,5%, THB của Thailand mất giá 3,8% và đồng IDR của Indonesia mất giá 3,4%. Việc các đồng tiền mất giá tạo ra tâm lý đồng VND cũng sẽ phải mất giá khiến tỷ giá tăng.

Theo một số chuyên gia, thì việc đồng CNY mất giá mạnh sẽ khiến cán cân thương mại của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.

Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP cho rằng, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, tức là nên giảm giá đồng VND so với USD nhưng không giảm mạnh như CNY.

Giải thích rõ hơn, đại diện VEPR cho rằng, với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu , việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ. Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.

Cần có cái nhìn dài hạn và tổng thể?

Kiến nghị của VEPR không phải không có lý khi Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Hiện Mỹ đã vượt EU thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 21,5 tỷ USD sau 6 tháng đầu năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 31,1 tỷ USD (tăng 15,6%), chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2018.

Tuy vậy, cũng có không ít ý kiến phản biện liên quan đến kiến nghị này.

Theo các chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), để quyết định điều chỉnh tỷ giá ra sao sẽ cần có một cái nhìn dài và tổng thể hơn.

“Thứ nhất, các đồng tiền trong khu vực dù mất giá nhanh hơn VND trong 1 tháng qua nhưng lại lên giá khá nhiều so với VND trong khoảng thời gian 1 năm. Điều này có nghĩa xuất khẩu Việt nam đã được hưởng lợi trong một thời gian dài.

Thứ 2, lượng vay nợ ngoại tệ của Việt nam là rất lớn nên cái lợi từ xuất khẩu cần phải cân đối với cái hại của áp lực trả nợ nước ngoài”, SSI phân tích.

Cũng theo các chuyên gia này, nếu phân tích từ khía cạnh cung cầu ngoại tệ, thực tế cho thấy tình trạng mất cân đối cung cầu chưa lớn để đẩy tỷ giá tăng mạnh.

Phân tích sâu hơn, SSI cho biết, xuất siêu đã trở lại trong tháng 6 với giá trị 800 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất siêu từ đầu năm lên 3,74 tỷ USD hỗ trợ tích cực cho tỷ giá. Cán cân tổng thể đạt thặng dư 9,577 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh so với 2,5 tỷ USD cùng kỳ năm 2017.

Ngoài yếu tố tâm lý kể trên, tỷ giá tăng cũng xuất phát từ biến động trong giao dịch liên ngân hàng. Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng từ 1,7% lên sát 2% ở kỳ hạn qua đêm, trong khi lãi suất VND giảm mạnh nới rộng chênh lệch lãi suất USD-VND từ 0,2% lên 1,2%. Động thái hút thanh khoản VND bằng tín phiếu của NHNN trong thời gian qua phần nào cũng giúp thu hẹp nguồn cung nội tệ, từ đó hỗ trợ tỷ giá.

Với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, xấp xỉ 65 tỷ USD, tương đương 15 tuần nhập khẩu, NHNN đã chủ động phát tín hiệu sẽ can thiệp hỗ trợ thị trường để hỗ trợ tỷ giá. Thực tế, NHNN đã giảm mạnh tỷ giá bán ra USD từ 23.294 đồng xuống 23.050 đồng vào ngày 3/7.

Bắt đầu từ tháng 7, song song với giảm giá bán, NHNN cũng cho tỷ giá tham chiếu gần như đi ngang, tạo tín hiệu rõ rệt với thị trường về chủ trương không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá. Cùng thời gian này tỷ giá NHTM cũng đi ngang và chỉ có tỷ giá tự do còn ở mức cao.

Còn nhớ, năm 2015 và 2016 khi tỷ giá nổi sóng, tỷ giá tự do cũng tăng cao nhưng sau đó giảm trở lại và đi cùng quỹ đạo của tỷ giá NHTM.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới nếu áp lực tiếp tục gia tăng, NHNN có thể sẽ bán ra dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường. Cam kết ổn định tỷ giá của NHNN với nguồn lực dự trữ ngoại hối dồi dào và cung cầu ngoại tệ cân bằng là các yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Theo Trần Thúy

Bizlive

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…