Giám đốc CDC TP HCM: ‘Cách ly tại nhà đòi hỏi tự giác cao’
Do các cơ quan chức năng không có công cụ giám sát hoạt động người cách ly tại nhà nên việc này đòi hỏi sự tự giác.
Quan điểm này được Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng nêu tại buổi họp báo tối 1/12, khi đề cập đến việc “bệnh nhân 1342” – nam tiếp viên hãng Vietnam Airlines vi phạm quy định cách ly, là nguồn lây nhiễm cho 3 trường hợp khác.
Theo ông Dũng, cách ly tại nhà về khoa học là hợp lý với trường hợp có nguy cơ thấp. Người cách ly tập trung sau 2 lần kết quả âm tính được về cách ly tại nhà. Nếu “bệnh nhân 1342” không vi phạm trong khu cách ly tập trung khi về nhà không thể lây cho người khác. Vì toàn bộ phi hành đoàn cùng chuyến bay từ Nhật Bản với bệnh nhân này đều âm tính.
“Cách ly ở nhà đòi hỏi tự giác rất cao. Hiện chúng ta không có công cụ giám sát. Ngành y tế không thể vào nhà người ta xem họ ra khỏi nhà hay chưa”, ông Dũng nói.
Cũng theo Giám đốc HCDC, việc tổ chức, giám sát cách ly tập trung hoặc tại nhà (kể cả khách sạn) đều có quy định của Bộ Y tế. Khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines được thành lập để cách ly riêng cho các thành viên tổ bay (các chuyến bay từ nước ngoài về) và do hãng này tổ chức, quản lý.
Mặt khác, việc cách ly tại nhà quy định người cách ly phải tuân thủ và thực hiện các cam kết. Địa phương cũng có trách nhiệm giám sát, trong đó theo dõi sức khỏe người cách ly. Hiện không có quy định lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày đối với người cách ly tại nhà.
Ông Dũng cho hay “bệnh nhân 1342” đã vi phạm nghiêm trọng quy định, cam kết mình đã ký và làm lây lan ra 3 trường hợp. Chiều nay, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phải chủ trì xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó có Vietnam Airlines.
Nói thêm về vi phạm của “bệnh nhân 1342”, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết quy trình khu cách ly của Vietnam Airlines, mỗi chuyến bay được cách ly ở một khu riêng.
Tuy nhiên, trong 4 ngày cách ly tại đây, hai bệnh nhân (trong đó có “bệnh nhân 1342”) đã vi phạm quy định và đi từ khu này xuyên qua khu kia. “Thành viên cùng chuyến bay khi cách ly không được tiếp xúc với nhau chứ không phải đi từ khu này qua khu khác”, ông Bỉnh nói và cho rằng điều này thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines.
Cũng theo ông Bỉnh, các khu cách ly đều được thẩm định bởi Sở Y tế và cơ quan liên quan. Khi có chuyến bay thương mại và chở chuyên gia từ nước ngoài về, Sở Y tế đều thành lập đoàn công tác cùng với trung tâm y tế các quận thẩm định và có tờ trình cho UBND cấp phép. Sở Y tế ngoài việc kiểm tra còn giao cho trung tâm y tế quận, huyện quản lý, giám sát chặt các cơ sở cách ly này.
Ông Bỉnh cũng thông tin thêm, trong cuộc họp với Chính phủ chiều 1/12, Hà Nội và TP HCM đã kiến nghị bỏ quy định chế độ cách ly riêng cho các thành viên tổ bay. Các thành viên tổ bay khi từ nước ngoài về sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, chứ không áp dụng chế độ cách ly hỗn hợp vừa tập trung vừa tại nhà.
Hiện, việc cách ly tổ bay Vietnam Airlines làm theo công văn số 3588 ngày 2/7/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19. Theo đó, trong thời gian cách ly tập trung, người có 2 lần xét nghiệm âm tính (với điều kiện toàn bộ tổ bay và hành khách cũng âm tính 2 lần) được rời khỏi khu cách ly và tiếp tục cách ly tại nhà theo hướng dẫn Bộ Y tế. Việc xét nghiệm lần 2 của người cách ly thực hiện sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu đầu tiên.
“Bệnh nhân 1342” từ Nhật Bản nhập cảnh Việt Nam hôm 14/11, lưu tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý ở số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, từ ngày 14 đến 18/11.
Sau khi xét nghiệm 2 lần kết quả âm tính, tiếp viên này về cách ly tại nhà trọ ở đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Trong quá trình cách ly, anh tiếp xúc trực tiếp với mẹ (ở Hóc Môn), một bạn nữ (trú Bình Thạnh) và bạn nam (ở quận 6). Trong đó, bạn nam làm nghề giáo viên tiếng Anh tới nhà trọ sống cùng.
Ngày 28/11, tiếp viên xét nghiệm dương tính. Ba người tiếp xúc với anh ta được cách ly và xét nghiệm. Giáo viên tiếng Anh dương tính nCoV, trở thành “bệnh nhân 1347”.
Tính đến nay, “bệnh nhân 1342” là nguồn lây nCoV cho 3 người khác ngoài cộng đồng là “bệnh nhân 1347” (32 tuổi, giáo viên tiếng Anh), 1348 (một tuổi, cháu “bệnh nhân 1347”), 1349 (nữ, 28 tuổi, tiếp xúc gần với “bệnh nhân 1347”). Trước đó, TP HCM ghi nhận 120 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Theo VNEXPRESS