Giải mã “mũi tên trúng 2 đích” giúp cổ phiếu GTN tăng giá mạnh
GTNfoods đang tích cực thoái vốn tại các mảng kinh doanh không cốt lõi; giá cổ phiếu GTN đã tăng vọt 44% tính từ đầu tháng 7/2018 đến nay.
Cổ phiếu GTN tăng vọt hơn 50% trong một tháng
Những ngày gần đây, nhà đầu tư sốt ruột khi không kịp “lên tàu” cổ phiếu GTN của GTNfoods. Cổ phiếu này đã tăng mạnh mẽ từ vùng đáy ~8.500 đồng lên mức giá hiện tại.
Nhịp tăng của cổ phiếu GTN lần này khiến nhiều nhà đầu tư tiếc nuối bởi lẽ, cổ phiếu GTN đã giảm sâu từ mức giá ~24.000 đồng mấy năm trước về mức giá “phi lý” xuống dưới cả giá trị sổ sách bất chấp tình hình kinh doanh đã tốt lên sau tái cơ cấu. Việc tiếc nuối của nhà đầu tư có thể bởi đã không ít lần cổ phiếu này chạm ngưỡng đáy giá và quay đầu đi lên nhưng khởi nghĩa bất thành nên nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đã bỏ cuộc sớm. Đúng lúc đó, cổ phiếu GTN cạn cung và bắt đầu tăng nhanh chóng.
Biến động giá cổ phiếu GTN 6 tháng qua
Điều gì đã khiến cổ phiếu sữa GTN tăng mạnh mẽ đến vậy trong bối cảnh cổ phiếu sữa khác trên thị trường là VNM đang giảm khá sâu?
Thoái vốn – “Mũi tên trúng 2 đích” giúp GTNfoods bứt phá
Để lý giải việc giá cổ phiếu tăng mạnh, nhiều người cho rằng, kết quả kinh doanh tăng trưởng cao quý 2/2018 là lý do. Nhiều người khác lại cho rằng, kết quả kinh doanh quý 2 với doanh thu thuần sụt giảm 11% và lợi nhuận tăng mạnh 175% là điều nhiều người có thể dự đoán từ trước bởi công ty đã thực hiện thoái vốn nhiều mảng kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận từ các quý trước. Tuy nhiên, với một thông tin trong dự đoán như vậy thì cổ phiếu khó lòng tăng phi mã đến thế.
Lý giải có phần hợp lý hơn đó là tình trạng sức khoẻ tài chính của GTNfoods đã tốt lên rất nhiều sau giai đoạn tái cơ cấu. “Mũi tên” thoái vốn thực sự đã trúng 2 đích nên nhà đầu tư quay trở lại đặt niềm tin vào cổ phiếu GTN.
Theo công bố của GTNfoods, hồi đầu năm 2018, công ty đã mạnh tay cắt giảm mảng chăn nuôi lợn là mảng đang chịu nhiều áp lực sụt giảm giá bán do dư thừa cung lợn. Việc cắt giảm và trích lập dự phòng này đã khiến công ty chịu lỗ trong Quý 4 năm 2017 và một phận quý 1 năm 2018, nhưng bù lại, sang quý 2, do không còn chịu ảnh hưởng từ mảng này nên biên lãi gộp của GTNfoods đã tăng mạnh khi chỉ còn Sữa – Trà và Vang.
Bảng: So sánh về cơ cấu Lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ, có thể thấy, kết quả bán niên năm 2018 là rất tích cực so với cùng kỳ 2017, đem lại dòng tiền, cải thiện mạnh ở kết quả hoạt động sản xuât kinh doanh
Mới đây nhất, trong chuỗi ngày tăng giá của cổ phiếu GTN, công ty đã đạt được thoả thuận thoái 45% vốn tại CTCP Nhựa Miền Trung – đây là khoản đầu tư của công ty với giá trị đầu tư 135 tỷ tương ứng 90% vốn chủ sở hữu của Nhựa Miền Trung.
Trao đổi về động thái thoái vốn, lãnh đạo GTNfoods cho biết, từ mấy năm nay, ban lãnh đạo công ty đều đặt nhiệm vụ thoái vốn làm trọng tâm trong công cuộc tái cơ cấu công ty. GTNfoods lớn mạnh nhờ quá trình M&A các tổng công ty lớn và quá trình mua bán, sáp nhập này mấy năm trước khiến công ty “gánh” thêm những mảng thuộc sở hữu của các công ty M&A mục tiêu nhưng không nằm trong kế hoạch phát triển bền vững. Sau khi hoàn tất M&A rồi, việc cắt giảm những mảng không nằm trong chiến lược phát triển bền vững, dài hạn thì chúng tôi thoái vốn đi.
Lãnh đạo GTNfoods cho biết thêm, việc thoái vốn có vài trường hợp là phải “chịu đau cắt lỗ” nhưng đa phần là có lãi. Điều quan trọng hơn việc lãi/ lỗ thoái vốn là việc này như “mũi tên trúng 2 đích” giúp GTNfoods bớt gánh nặng quản lý những mảng không thuộc chiến lược dài hơi và mang lại cho GTNfoods dòng tiền lớn để phục vụ cho các dự án kinh doanh cốt lõi là Sữa, Trà và Vang. Đây là những mảng có biên lợi nhuận gộp rất cao.
Nguồn tiền mạnh cho kế hoạch phát triển Trà, Sữa, Vang
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 đã cho thấy, hoạt động kinh doanh của công ty đã quay về lõi. Doanh thu thuần quý 2/2018 đạt 834 tỷ đồng, sụt giảm 100 tỷ đồng so với cùng kỳ do công ty đã và đang tích cực cắt giảm các mảng kinh doanh không cốt lõi, tập trung phát triển các mảng kinh doanh chiến lược là Trà, Sữa và Vang.
Cơ cấu doanh thu của GTNfoods
Cùng với việc hoạt động kinh doanh tập trung vào lõi, GTfoods đã ghi nhân 14 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thoái vốn tại các khoản đầu tư không cốt lõi là công ty con CTCP Chăn nuôi Miền Trung, 2 Công ty liên kết là CTCP Chè Kim Anh, CTCP Việt Phong và 1 khoản đầu tư khác tại CTCP Nông sản Sài Gòn.
Nhờ việc thoái vốn và tập trung vào lõi, biên lãi gộp của GTNfoods tăng mạnh và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 56,16 tỷ đồng quý 2/2018, tăng đột biến 175% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 14,25 tỷ đồng, tăng tới gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thoái vốn cùng với việc hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt, hiện, GTNfoods vẫn duy trì hơn 1.200 tỷ đồng tiền và tiền gửi có kỳ hạn sẵn sàng cho mở rộng kinh doanh Sữa như kế hoạch. Trước mắt, khoản tiền này đều đặn mỗi quý mang về cho công ty khoảng 20 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]