Giá tính thuế khác hoàn toàn giá thị trường, nhà 3-4 tỷ chưa chắc đã phải nộp thuế?
Luật thuế Tài sản vừa được công bố, đã làm dấy lên lo ngại, nếu giá trị nhà cứ 700 triệu bị đánh thuế thì có đến hơn 90% nhà đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM sẽ bị thu thuế.
Theo Dự án xây dựng Luật thuế Tài sản vừa được công bố, Bộ Tài chính đang đề nghị đánh thuế đối với mọi chủ sở hữu nhà ở có giá tính thuế tài sản từ 700 triệu đồng trở lên với mức thuế suất là 0,4%/năm.
Dư luận đang dấy lên lo ngại, nếu giá trị nhà cứ 700 triệu bị đánh thuế thì có đến hơn 90% nhà đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM sẽ bị thu thuế.
Tuy nhiên, sự thật là nhiều căn nhà có trên thị trường lên đến 3-4 tỷ đồng vẫn chưa hẳn bị đánh thuế bởi giá tính thuế tài sản 700 triệu đồng ở đây được tính theo hệ số quy định và bảng giá đất nhà nước.
GIÁ TRỊ NHÀ Ở THEO BẢNG GIÁ ĐẤT = DIỆN TÍCH X BẢNG GIÁ ĐẤT NHÀ NƯỚC
(Trong đó: Diện tích= Diện tích trên giấy chứng nhận x hệ số xác định diện tích)
THUẾ SUẤT = (GIÁ TRỊ NHÀ Ở – 700 TRIỆU) X 0,4%
Bảng hệ số sử dụng đất cho nhà Chung cư và nhà thổ cư Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo.
Lấy ví dụ: Một căn hộ chung cư tại đường Hoàng Minh Giám, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính diện tích 100m2 giá thị trường có giá khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên theo công thức trên thì giá trị nhà ở để tính thuế sẽ là:
Diện tích x hệ số xác định diện tích x bảng giá đất = 100 x 0,2 x 25,2 triệu đồng = 504 triệu đồng (Trong đó: 25,2 triệu đồng/m2 là vị trí cao nhất của bảng giá đất tại đường Hoàng Minh Giám).
Như vậy, trường hợp căn hộ chung cư 100m2 có giá trên thị trường 4 tỷ chưa bị tính thuế bởi giá trị tính thuế thấp hơn 700 triệu đồng.
Đối với nhà đất thổ cư: Mặt đường Hoàng Đạo Thúy giả sử căn nhà có diện tích 90m2 và có giá thị trường khoảng 10 tỷ đồng thì với công thức trên:
Giá trị căn nhà tính thuế là: 90 x 0,3 x 25,2 = 680,4 triệu đồng
Như vậy, trường hợp căn nhà mặt phố 90m2 có giá trên thị trường 10 tỷ chưa bị tính thuế bởi giá trị tính thuế thấp hơn 700 triệu đồng.
Lấy một ví dụ khác, một căn hộ chung cư gần Ngã Tư Sở trên đường Nguyễn Trãi có diện tích 120m2 có giá thị trường khoảng 5 tỷ đồng.
Vậy giá trị tính thuế của căn nhà này là: 120 x 0,2 x 37,2 triệu đồng = 892,8 triệu đồng ( Trong đó 37,2 triệu đồng/m2 là vị trí cao nhất của bảng giá đất tại đường Nguyễn Trãi).
Căn hộ này bị tính thuế vì giá trị lớn hơn 700 triệu đồng
Phần thuế bị đánh là phần lớn hơn 700 triệu: (892,8 – 700) x 0,4% = 768 nghìn đồng/năm.
Như vậy nếu tính qua công thức nêu trên thì không phải hầu hết các căn nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đều bị tính thuế.
Trao đổi với chúng tôi về công thức này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cho biết cách tính giá trị nhà ở theo bảng giá đất mà Bộ Tài chính đưa ra mới chỉ mức tham khảo, còn nếu một khi đưa vào thực tế còn phải có thông tư hướng dẫn cụ thể.
“Bởi cùng nằm ở một vị trí có khung giá đất bằng nhau nhưng có căn nhà mới xây có căn nhà xây cách đây vài chục năm thì giá trị tính thuế phải khác nhau, không thể đánh cùng theo bảng giá đất được. Chính vì thế sẽ có thêm nhiều hệ số tính giá trị nhà kèm theo”, ông Đực nhấn mạnh.
Cũng bàn luận về cách tính giá trị nhà, ông Hoàng Văn Cường – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân trả lời trên truyền thông rằng về giá đất, cần xác định được giá phù hợp, sát với giá trị thật thì chính sách thuế mới có ý nghĩa, bởi có nhà nếu áp khung giá đất của Nhà nước thì quá thấp so với giá thực tế và ngược lại.
Do đó, Hiệu trưởng Đại học kinh tế quốc dân cho rằng việc phải tìm được một giá phản ánh sát nhất giá thị trường là điều hết sức quan trọng, nếu không rất có thể chính sách thuế sẽ chỉ mang tính hình thức, không công bằng.
“Thế giới họ cũng phải sử dụng giá công khai chứ không phải giá đơn lẻ cho từng nhà một, vấn đề là làm thế nào giá mà chúng ta công bố công khai sát nhất với giá thị trường chứ không phải quá khác biệt như hiện nay. Cần phải có điều chỉnh để khung giá phản ánh đúng giá nhà trên thị trường”, ông Cường nói.
Lan Nhi
Theo Trí thức trẻ