Ghế nóng ngân hàng: Nơi 2 năm không tìm nổi chủ, chỗ vài tháng đổi một lần
Nhân sự cấp cao ngân hàng vẫn là đề tài nóng hổi thu hút sự quan tâm của thị trường từ trước tới nay. Và những ngày gần đây, câu chuyện ấy lại càng “nóng” hơn bao giờ hết khi nhiều ngân hàng công bố thay chủ tịch, tổng giám đốc, nhưng có những ngân hàng mãi vẫn không tìm ra chủ nhân cho chiếc ghế bỏ trống lâu ngày.
Nơi 2 năm không tìm nổi chủ
Nghe thì có vẻ phi lý, nhưng câu chuyện này lại đang xảy ra tại ngân hàng lớn nhất Việt Nam là BIDV. Kể từ khi ông Trần Bắc Hà về hưu tháng 9/2016, đến nay ngân hàng vẫn chưa tìm được người thay thế.
Sau khi ông Bắc Hà về hưu, ông Trần Anh Tuấn khi ấy là thành viên Hội đồng quản trị, được giao trọng trách đảm nhiệm điều hành hoạt động của HĐQT. Thời điểm cuối năm 2017, BIDV bất ngờ đón nhận ông Phạm Quang Tùng – là chủ tịch Ngân hàng VDB, mà trước đó là phó Tổng giám đốc BIDV – trở về ngân hàng. Nhiều đồn đoán cho rằng ông Tùng trở về để nhận nhiệm vụ mới, và không loại trừ chiếc ghế nóng sẽ dành cho vị lãnh đạo 47 tuổi này. Thế nhưng bẵng đi một thời gian vẫn chẳng có động tĩnh gì, và ông Trần Anh tuấn vẫn điều hành hoạt động của HĐQT cho đến cuối tháng 4 năm nay khi ông đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ.
Ông Tuấn về hưu, thị trường lại trông ngóng xem ai có thể trở thành chủ nhân của chiếc ghế nóng sau 20 tháng bỏ trống. Nhưng sau đó chiếc ghế ấy vẫn chưa có người ngồi. Ngày 3/5, ông Bùi Quang Tiên là thành viên HĐQT ngân hàng – người đại diện 30% vốn Nhà nước ở BIDV vừa vào ngân hàng này hồi tháng 4 năm ngoái – được giao thay ông Tuấn điều hành hoạt động của HĐQT.
Chỗ vài tháng đổi một lần
Trong khi đó ở nhiều ngân hàng lại có sự thay đổi lãnh đạo với tốc độ nhanh không tưởng.
ABBank là một ví dụ điển hình. Trong vòng 3 năm trở lại đây ngân hàng đã thay tới 4 đời Tổng giám đốc. Cụ thể từ khi ông Nguyễn Duy Hiếu từ nhiệm vào ngày 4/5/2015, ngân hàng bổ nhiệm ông Cù Anh Tuấn làm quyền Tổng giám đốc. Đến tháng 1/2017 ông Tuấn được chấp thuận làm Tổng giám đốc nhưng sau tròn 1 năm ông Tuấn lại thôi nhiệm.
Sau khi ông Cù Anh Tuấn nghỉ, ABBank bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân lên nắm quyền tổng giám đốc kể từ ngày 12/1/2018. Nhưng đầu tháng 5 này, ngân hàng lại bất ngờ công bố một vị CEO mới đó là bà Dương Thị Mai Hoa – nguyên là Tổng giám đốc của Vingroup, Tổng giám đốc khối khách hàng DN của MaritimeBank, và từng là CEO của ngân hàng VIB.
Tại SeABank, sau khi ông Đặng Bảo Khánh thôi làm Tổng giám đốc hồi đầu tháng 7/2017, ngân hàng bổ nhiệm ông Lê Văn Tần, phó TGĐ lên nắm Quyền Tổng giám đốc. Được hơn 2 tháng, ngân hàng công bố ông tuyển dụng và bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh – trước đó là phó Tổng giám đốc của Techcombank – làm Tổng giám đốc chính thức. Nhưng chiếc ghế ông Vinh ngồi chỉ kéo dài được hơn 4 tháng. Đầu tháng 2 vừa qua, ngân hàng lại bổ nhiệm ông Lê Văn Tần là phó Tổng giám đốc đảm nhiệm chức vụ quyền hạn của Tổng giám đốc cho đến nay.
Trong khi đó ở VietABank, sau khi bà Phương Thanh Nhung – cháu gái ông Phương Hữu Việt chủ tịch ngân hàng- thôi nhiệm chức Tổng giám đốc, ngân hàng đã bổ nhiệm ông Lê Xuân Vũ làm Tổng giám đốc. Nhưng ông Vũ chỉ ngồi ở VietABank được hơn 3 tháng thì cũng thôi nhiệm, và ngân hàng bổ nhiệm người mới là ông Nguyễn Văn Hảo.
Ngân hàng VietBank cũng có một thời gian thay đổi người điều hành khá chóng vánh. Hồi tháng 12/2016 ông Nguyễn Đăng Thanh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc thay cho ông Nguyễn Thanh Nhung. Nhưng chỉ 10 tháng sau, ngân hàng lại sắp xếp lại bộ máy khi ông Nguyễn Thanh Nhung quay về giữ vị trí ghế nóng còn ông Đăng Thanh chuyển sang làm công việc khác.
Không hợp thì… chia tay
Chia sẻ với chúng tôi dịp gần đây, Tổng giám đốc của một ngân hàng cho biết, ghế nóng ngân hàng thay đổi là chuyện thường tình, nhưng khuyết vị trí chủ tịch thì hầu như không gặp, và ở BIDV là thuộc diện “hàng hiếm”.
“Ở các ngân hàng thông thường, cổ đông sẽ bầu ra HĐQT qua kỳ đại hội cổ đông và rồi nội bộ HĐQT sẽ bầu ra chủ tịch. Vị trí cao nhất thường thuộc về ông chủ thật của ngân hàng hoặc đại diện vị ấy. BIDV là ngân hàng hơn 95% vốn của Nhà nước nên vị trí chủ tịch HĐQT do Nhà nước quyết định. Việc chưa thể tìm ra người giữ trọng trách cao nhất ắt hẳn có lý do của cơ quan quản lý, song việc này cũng không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của ngân hàng” – vị này nhận xét.
Cũng theo ông, vị trí Tổng giám đốc thì khác. Là người trực tiếp điều hành thì ngân hàng không thể thiếu được một ngày. Nếu chưa có Tổng giám đốc, ngân hàng cũng phải có ngay quyền Tổng giám đốc và thường các ngân hàng đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho vị trí này chứ không bao giờ bị khuyết. Và người nắm quyền Tổng giám đốc cũng chỉ là trên danh nghĩa để chờ NHNN phê chuẩn chính thức mà thôi.
Vị lãnh đạo nói trên cho biết thêm, tổng giám đốc chỉ là người đi làm thuê nên nay đổi mai thay không có gì lạ. Việc thay đổi có nhiều lý do, có thể do không hợp vị kinh doanh của ông chủ, hoặc do bản thân người ta không thấy phù hợp thì “chia tay”.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]