FPT Retail bán sản phẩm Apple: Hé lộ tuyệt chiêu lôi kéo khách hàng từ kênh xách tay bất chấp bất lợi về giá

Đồng ý rằng giá bán sản phẩm Apple từ kênh chính hãng đang cao hơn so với kênh mua hàng xách tay, song FPT Retail vẫn tự tin sẽ lôi kéo được khách hàng với kế hoạch triển khai dịch vụ chăm sóc hấp dẫn kèm theo.

Được biết, trước tình hình thị trường bán lẻ đang đi đến bão hòa, FPT Retail tương tự “ông lớn” Thế giới Di động (MWG) cũng đã tìm những lối đi riêng. Bên cạnh mảng dược, tận dụng kênh phân phối sẵn có FPT Retail đồng thời sẽ phát triển mạnh chuỗi cửa hàng Apple Store với mục tiêu 100 cửa hàng trong năm 2018, đây được xem là 1 trong 3 chiến lược kinh doanh trọng điểm năm nay.

Nói về lý do lựa chọn đẩy mạnh bán sản phẩm Apple, FPT Retail cho biết bên cạnh nền tảng hiện có về chuỗi cửa hàng, Việt Nam là thị trường thứ 3 trong kênh phân phối của Apple, đứng sau Thái Lan và Singapore. Đồng thời, với thị trường Apple tại Việt Nam ngày càng tăng trong khi lượng mua hàng xách tay đang chiếm khoảng 50% thị trường, nhắm thấy tiềm năng này FPT Retail kỳ vọng sẽ lôi kéo được lượng khách hàng trên về kênh mua hàng chính hãng trong tương lai.

Song, thực tế cho thấy hiện sản phẩm Apple phân phối qua kênh xách tay khá cạnh tranh về giá, chưa kể kiến thức công nghệ của người tiêu dùng ngày càng tăng khiến việc mua sản phẩm bên ngoài đang là xu hướng. Vậy, căn cứ vào đâu FPT Retail đặt tham vọng lôi kéo 450 triệu USD thị phần từ kênh xách tay đối với sản phẩm “trái táo”?

Trả lời điều này, ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc FPT Retail đồng ý rằng giá bán sản phẩm Apple từ kênh chính hãng đang cao hơn so với kênh mua hàng xách tay, song FPT Retail vẫn tự tin sẽ thành công, đặc biệt với kế hoạch tăng cường dịch vụ kèm theo trong tương lai.

Việt Nam làm chưa tốt dịch vụ mua bán hàng Apple, và tương lai FPT Retail sẽ làm điều này

FPT Retail bán sản phẩm Apple: Hé lộ tuyệt chiêu lôi kéo khách hàng từ kênh xách tay bất chấp bất lợi về giá - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc FPT Retail.

Cụ thể, nguyên nhân thứ nhất liên quan đến giá, ông Anh cho biết hiện kênh phân phối xách tay né được thuế VAT là 10%, nôm na giá cả bán ra sẽ thấp hơn 10% so với cửa hàng chính hãng. Tuy nhiên, mặc dù không chịu thuế VAT, nhưng những chi phí bên ngoài khác đâu đó cũng từ 3-4%, như vậy thực chất mức chênh lệch giá giữa hai kênh này chỉ tầm 6-7%. “Con số này không quá nhiều, tức hàng xách tay không có quá rẻ so với hàng chính hãng”, vị này nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ hai cũng chính là yếu tố cốt lõi, FPT Retail sẽ thuyết phục khách hàng mua sản phẩm qua cửa hàng chính hãng nhờ dịch vụ tốt hơn mặc dù với giá cả cao hơn. Cụ thể, Công ty sẽ cung cấp một cách đầy đủ những dịch vụ chính hãng như tư vấn, hướng dẫn sử dụng từ đó chăm sóc tốt hơn người mua hàng. Thậm chí, FPT Retail còn kế hoạch tổ chức những buổi học sử dụng, test máy… trước khi mua hàng, mục tiêu xây dựng “điểm đến tối ưu” trong tương lai.

Đi sâu vấn đề, lãnh đạo Công ty khẳng định những dịch vụ sẽ là thứ mà kênh phân phối xách tay không thể làm được. Điển hình như việc liên kết với nhà mạng để trợ giá cho việc mua sản phẩm, cung cấp dịch vụ đổi mới (tức đem sản phẩm đã qua sử dụng để lấy sản phẩm mới), thậm chí Công ty còn cam kết mua lại trong tương lai.

Bổ sung, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail cho biết: “Các nước trên thế giới có đến 400-500 cửa hàng Apple chính hãng thu hút lượng lớn khách hàng, cho nên đó là xu hướng chung toàn cầu và tương lai Việt Nam sẽ không thể thoát khỏi, đó là lý do FPT Retail đánh mạnh phân khúc Apple Store”.

Độc đáo với dịch vụ cho thuê Iphone!

FPT Retail bán sản phẩm Apple: Hé lộ tuyệt chiêu lôi kéo khách hàng từ kênh xách tay bất chấp bất lợi về giá - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail.

Một thông tin khá mới mẻ khác, ban lãnh đạo FPT Retail còn tiết lộ hướng đến dịch vụ cho thuê sản phẩm Apple trong tương lai, như đối với Iphone, Ipad… Tức, khách hàng không cần bỏ tiền mua để sở hữu Iphone, mà có thể thuê Iphone và sử dụng với chi phí rẻ hơn.

Căn cứ để đưa ra ý tưởng này xuất phát từ thói quen mua hàng của người Việt Nam. Điển hình như dịch vụ Grab hay Uber đang rất thịnh hành, rất nhiều đối tượng từ công sở cho đến người buôn bán, từ lớp trẻ cho đến trung niên… gần như thích hơn việc di chuyển bằng xe ôm. Do đó, FPT Retail dự kiến ứng dụng mô hình sử dụng tiện lợi này vào phân khúc sản phẩm công nghệ, tính đến nay đây là một dịch vụ khá mới mẻ và tương đối hấp dẫn tại thị trường Việt Nam.

Đó là Iphone, riêng với mặt hàng Ipad bà Điệp cho biết hiện gia đình Việt Nam thường sắm để con cái chơi game hay xem phim, tuy nhiên những chức năng của dòng sản phẩm này rất nhiều những gần như khách tiêu dùng Việt Nam chưa chú ý đến. Và thời gian đến, Công ty dự kiến phát triển cả dịch vụ lớp học lập trình dành riêng cho con em mua Ipad, tức trẻ em sẽ được học và thực hành lập trình trên Ipad ngay tại cửa hàng khi mua sản phẩm từ Apple Store.

Không phải ai cũng có thể làm được

Nhìn chung những luận điểm trên trước mắt vẽ nên một bức tranh khá sáng sủa với hệ thống Apple Store, câu hỏi đặt ra là liệu đối thủ khác cũng sẽ gia nhập “miếng bánh béo bở” này?

Theo FPT Retail, thực ra tính đến nay Apple không có khái niệm phân phối độc quyền sản phẩm tại Việt Nam, hiểu rõ là ai cũng có thể bán sản phẩm Apple. Song, một trong những lợi thế cạnh tranh của FPT Retail là hiểu Apple và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của hãng (chiếm khoảng 95% tổng lợi nhuận kinh doanh điện thoại toàn cầu). Chưa kể, muốn được phân phối sản phẩm Apple không phải dễ, vì phải bỏ ra một chi phí rất lớn kèm với việc thỏa mãn những tiêu chí vô cùng khắt khe của “đại gia” di động thế giới này.

“Cho nên không thể nói đối thủ khác không thể tham gia bán sản phẩm Apple, mà vấn đề là họ có lựa chọn đi vào phân khúc này hay không. Vì muốn làm được thì phải đáp ứng điều kiện không phải đơn giản”, ông Anh phân trần.

Do đó, cùng với 2 đơn vị nước ngoài là Gel và Thakral Brothers, FPT Retail hiện là công ty Việt Nam được Apple chọn để phân phối sản phẩm. Hiện toàn thị trường trong nước có 15 cửa hàng phân phối sản phẩm Apple, FPT Retail chiếm đến 12 đơn vị. Điều này minh chứng là hai đơn vị ngoại quốc trên không nhằm mục đích mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối Apple, mà họ có những chiến lược rất khác so với FPT Retail.

Hiện Apple Store là một trong những chuỗi cửa hàng thuộc lĩnh vực F.Studio của FPT Retail. Trong đó, F.Studio đang là chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam, chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple, bao gồm mô hình cửa hàng cấp 1 là APR, cấp 2 AAR và cấp 3 CES. Tính đến đầu năm nay, FPT Retail đã đạt 12 cửa hàng F.Studio, con số kế hoạch đến năm 2020 là 650-700 cửa hàng.

 Tri Túc

Theo Trí thức trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…