FPT có “hớ” khi chi 50 triệu USD mua công ty tư vấn công nghệ Mỹ?
Không phải là lần đầu tiên FPT thực hiện M&A, trước đó, FPT đã thực hiện thành công thương vụ với công ty RWE IT Slovakia và đổi tên thành FPT Slovakia nhằm đẩy mạnh hoạt động tại thị trường châu Âu và mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực năng lượng. Nhưng trong thương vụ này, liệu FPT có “hớ” khi chi 50 triệu USD để mua một công ty tư vấn công nghệ Mỹ có doanh thu chỉ 30 triệu USD?
Nhiều hoài nghi về thương vụ triệu đô
Vừa qua, giới kinh doanh lẫn giới công nghệ xôn xao trước thương vụ M&A trị giá triệu đô giữa tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam FPT và công ty tư vấn công nghệ hàng đầu tại Mỹ Intellinet. Điều đáng nói ở đây là FPT đã chi trả kinh phí lên đến 50 triệu USD để mua lại một công ty tư vấn có doanh số chỉ khoảng 30 triệu USD.
Nhiều câu hỏi và vấn đề được đặt ra cho thương vụ: Vì sao FPT chịu chi trả số tiền cao hơn cả tổng doanh thu của Intellinet? Vì sao một công ty hàng đầu tại Mỹ lại chịu “bán mình” đến 90% cho FPT, liệu họ có đang gặp khó khăn gì? Kết thúc một thương vụ M&A thành công là mở đầu cho rất nhiều nỗ lực để giữ chân đội ngũ chuyên gia của Intellinet, giúp họ hòa hợp với văn hóa FPT, liệu FPT đã có sự chuẩn bị kỹ càng?
Giải mã thương vụ “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”
Trước hết cần phải đề cập đến kinh phí chi trả cho thương vụ triệu đô này. Trên thực tế, FPT chỉ trả ngay 30 triệu USD cho Intellinet, số tiền còn lại sẽ được chi trả dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc, không chỉ FPT mà Intellinet cần phải hợp lực tương hỗ lẫn nhau để hoàn thành thương vụ này.
Một điều củng cố niềm tin và chiến lược của FPT khi hạ quyết định thực hiện thương vụ, chính là tốc độ tăng trưởng và kinh doanh của Intellinet. Năm 2017, doanh thu của Intellinet là 30 triệu USD, tăng khoảng 15% so với 2016. Công ty này hiện đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500 như NCR, Subway, Wayfair… Dựa trên tiềm lực này của Intellinet, có thể thấy rằng việc mua Intellinet giúp FPT đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.
Với việc sở hữu 90% cổ phần của Intellinet, dự kiến trong vòng 12 tháng tới, doanh thu của FPT tại thị trường Mỹ sẽ cán mốc 100 triệu USD, cao gấp 2 lần doanh thu năm 2017. Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng của FPT tại thị trường Mỹ dự kiến cũng sẽ được cải thiện, đạt mức 20%.
Với những con số tài chính này, thị trường Mỹ sẽ là một trong những động lực quan trọng giúp FPT đạt được mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 50% tổng doanh thu của tập đoàn vào năm 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2018, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 37% tổng doanh thu của FPT.
Ngoài ra, khi chọn mua một công ty tư vấn công nghệ hàng đầu có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính bảo hiểm, y tế, sản xuất, phân phối bản lẻ, thương vụ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” này giúp FPT được bổ sung và hoàn thiện các dịch vụ công nghệ từ khâu tư vấn chiến lược ban đầu đến khâu thiết kế, triển khai, bảo hành bảo trì sau cùng, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. Thương vụ này sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng.
Thương vụ đôi bên cùng có lợi
Về thương vụ M&A lần này, đại diện FPT cho biết họ đặt vấn đề là hai bên cùng có lợi, đây không thuần túy là thương vụ M&A mà còn đem lại nhiều cơ hội hơn nữa cho cả đôi bên. Intellinet có cơ hội mở rộng thị trường ra ngoài nước Mỹ. FPT cho rằng khác với các công ty khác mua là sáp nhập, đây chính là sự kết hợp. Sau cùng, cả đại diện FPT và Intellinet đều nhận thấy rằng cả hai bên có sự tương hợp về tầm nhìn, chiến lược, văn hóa nên Intellinet sẵn sàng “bán mình” cho FPT và FPT tự tin giữ chân được đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Intellinet.
Như vậy, tính đến thời điểm này, FPT là công ty công nghệ thông tin Việt Nam duy nhất đã thực hiện trót lọt hai thương vụ M&A tại hai thị trường phát triển bậc nhất trên thế giới là Mỹ và Châu Âu. Sau tất cả, M&A vẫn chứng minh là chiến lược đúng đắn của FPT giúp tập đoàn này tăng trưởng doanh thu toàn cầu hóa và tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Theo Nhịp sống kinh tế
[elementor-template id=”16904″]