Forever 21 – Từ Vinh Quang Đến “Cái Chết” Được Báo Trước…
Vốn được coi là biểu tượng thời trang của giới trẻ, Forever 21 từng làm mưa làm gió trên thị trường với 800 cửa hàng trên toàn cầu và hơn 4,4 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên sự ra đời của mô hình mua sắm online và các cửa hàng đại hạ giá đã dần đẩy thương hiệu thời trang đình đám này vào bước đường cùng, buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản
Hào quang vụt tắt
Forever 21 khởi nguồn từ cửa tiệm Fashion 21 do cặp vợ chồng hàn Quốc Jin Sook và Do Won Chang sáng lập. “Ban đầu, công ty có tên là Fashion 21 nhưng đã được đổi thành Forever 21 vì khách hàng mục tiêu của chúng tôi là những người ở độ tuổi 20. Thế hệ trung niên ai cũng muốn sống lại tuổi 21 lần nữa trong khi người trẻ chỉ muốn mãi mãi tuổi 21” – Nhà sáng lập Do Won Chang chia sẻ.
Điểm nổi bật nhất của F21 là thời trang nhanh – các sản phẩm thời trang hợp xu hướng được sản xuất hàng loạt với mức giá phải chăng. Nhờ đó công ty đã trở thành chuỗi thời trang phát triển mạnh mẽ, có mặt ở khắp các trung tâm mua sắm và mở hàng trăm cửa hàng bán lẻ tại Mỹ. Từ một cửa tiệm nhỏ ban đầu, đến năm 2009, Forever 21 đã phát triển rộng khắp với hệ thống 450 cửa hàng và cái “chất” của thương hiệu này được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Thời điểm đó, hàng trăm người sẵn sàng dành thời gian để xếp hàng trong sự kiện khai trương cửa hàng mới của hãng.
Những năm tiếp sau, Forever 21 không ngừng phát triển và mở rộng thêm chuỗi cửa hàng; trở thành biểu tượng trong ngành thời trang nhanh với doanh thu cao nhất là 4,4 tỷ USD mỗi năm. Khi đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, Forever 21 1 bắt đầu mở rộng sang trang phục cho nam giới, trẻ em, bà bầu, đồ ngoại cỡ, mỹ phẩm cùng nhiều loại sản phẩm khác. Những bước phát triển thần tốc của Forever 21 cũng góp phần biến hai nhà sáng lập trở thành cặp đôi giàu nhất nước Mỹ với tổng tài sản ròng lên đến 5,9 tỷ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên song song với sự tăng trưởng thần tốc của Forever 21 là một “địa ngục bán lẻ” đang ra sức hủy diệt. Theo hãng UBS, kể từ đầu thế kỷ 21, hơn 15.000 thương hiệu bán lẻ và 75.000 địa điểm đã biến mất dưới sự ảnh hưởng của “địa ngục”, trong đó là hàng loạt thương hiệu “gạo cội” như Sears, Toys R Us, Payless …
Và Forever 21 không phải là trường hợp ngoại lệ. Dù có thế mạnh về thương hiệu, địa điểm và giá thành nhưng Forever 21 vẫn trở thành một miếng mồi ngon cho thế hệ “quái vật bán lẻ” mới, tiêu biểu là mô hình mua sắm online và cửa hàng đại hạ giá, tất cả những gì họ cần làm là tung ra những sản phẩm thời trang với giá thành rẻ mạt. Chính vì thế “cái chết” của Forever 21 cũng không quá ngạc nhiên với giới phân tích, thậm chí nhiều người còn khen ngợi khả năng sống sót của thương hiệu cho đến giờ này.
Thu hẹp quy mô để tái cấu trúc
Từ một thương hiệu thời trang đình đám được giới trẻ yêu thích, Forever 21 đang đắm chìm trong những khó khăn về tài chính. Sau quãng thời gian trầy trật tìm giải pháp tái cơ cấu nợ nhưng bất thành, mới đây Forever 21 đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản, đồng thời công bố kế hoạch sẽ đóng cửa hàng trăm cửa hàng. Với tổng nợ đã vượt mốc 500 triệu USD và hàng trăm cửa hàng không còn sinh lợi tại hơn 40 quốc gia, nộp đơn phá sản được xem là một bước đi đúng đắn của thương hiệu này.
Nguyên nhân phá sản của Forever 21 được cho là do thời gian qua hãng thời trang này đầu tư quá nhiều vào hệ thống cửa hàng tốn kém trên toàn cầu và không kịp thích ứng với xu thế mua sắm online. Trong khi đó, sự ra đời của các nền tảng thương mại điện tử giúp việc mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến hơn, làm suy giảm lượng khách hàng tới trung tâm mua sắm truyền thống. Doanh số bán hàng sụt giảm nhưng chi phí thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại đắt đỏ khiến hãng rơi vào bế tắc.
Theo CNBC, Forever 21 đã nhận được 275 triệu USD gói tài trợ phá sản từ ngân hàng JPMorgan Chase và khoảng vốn mới trị giá 75 triệu USD từ TPG Sixth Street Partners để duy trì hoạt động trong thời gian xin bảo hộ phá sản. Khoản tiền hỗ trợ này giúp công ty duy trì hoạt động kinh doanh và tập trung vào phần cốt lõi có lợi nhuận trong hoạt động của mình.
Lên kế hoạch rút khỏi 40 quốc gia và đóng cửa 178 cửa hàng ở Mỹ nhưng Forever 21 vẫn sẽ tiếp tục vận hành website bán hàng và hàng trăm địa điểm còn lại tại Mỹ, Mexico và Mỹ Latin, với mục tiêu hiện tại là thu hẹp hoạt động và cắt lỗ. “Đây là bước đi quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của Forever 21. Sau khi tái cấu trúc, chúng tôi hy vọng Forever 21 sẽ trở nên vững mạnh hơn” – Phó chủ tịch Linda Chang tuyên bố.
Bizc.vn